Trận Vành đai Pusan là một trong những trận đụng độ lớn nhất trong chiến tranh Triều Tiên, diễn ra mùa thu năm 1950, không lâu sau khi chiến sự trên bán đảo Triều Tiên bùng nổ.
Trận chiến bắt đầu bằng việc quân đội Triều Tiên tràn sang Hàn Quốc, dồn ép lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu lùi dần xuống phía nam, tới tận khu vực Pusan, nơi có cảng tiếp tế nhân lực, trang thiết bị và nhu yếu phẩm cho lực lượng liên quân. Đây cũng là nơi quân Triều Tiên tiến xa nhất trong toàn bộ cuộc chiến, theo War History.
Để tránh bị quân đội Triều Tiên xóa sổ, lực lượng Liên Hợp Quốc quyết định xây dựng vành đai phòng thủ dài 225 km quanh Pusan nhằm ngăn chặn bước tiến của đối phương.
Vành đai Pusan kéo dài từ eo biển Triều Tiên đến Biển Nhật Bản, bao quanh thành phố cảng Pusan và một vài đô thị khác. Xung quanh vành đai có nhiều ngọn núi hiểm trở, rất khó có thể hành quân, có thể biến thành tuyến phòng thủ tự nhiên.
10 sư đoàn Triều Tiên với 98.000 quân được huấn luyện bài bản, trang bị hàng trăm xe tăng T-34 bắt đầu tấn công Vành đai Pusan từ mùa hè năm 1950 theo 4 mũi khác nhau, với mục tiêu là cảng Pusan.
Đối thủ của họ là lực lượng liên quân Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Hà Lan, Canada, New Zealand và Australia với tổng quân số 140.000 người.
Đến tháng 8/1950, liên quân Liên Hợp Quốc bắt đầu rút lui khỏi vành đai, lùi về phòng tuyến phía sau để tái tổ chức lực lượng nhằm phản công và cầm chân quân Triều Tiên. Họ lo sợ nếu rút quân xa hơn sẽ gây bất lợi, nhất là khi vẫn phải kiểm soát được cảng Pusan để tiếp tục vận chuyển hàng hóa và binh lực.
Sau thời gian đầu cầm cự, với ưu thế về không quân và hải quân, lực lượng Liên Hợp Quốc bắt đầu tổ chức trận phản công đầu tiên. Họ giao tranh với 500 lính bộ binh Triều Tiên và đánh bại lực lượng này, trước khi tràn qua sở chỉ huy Sư đoàn 6 Triều Tiên.
Tuy nhiên, đà phản công bị chững lại ngay sau đó. Sau ba ngày giao tranh ác liệt ở khu vực gần Chindong-ni, lực lượng Liên Hợp Quốc buộc phải rút lui. Lúc này, địa hình đồi núi hiểm trở bắt đầu trở thành ác mộng đối với họ.
Trên đường rút lui, một sư đoàn bộ binh Mỹ bị mắc kẹt trong bùn lầy và bất ngờ bị quân Triều Tiên tập kích. Binh sĩ Triều Tiên ở địa hình cao hơn chiếm lợi thế toàn diện, khiến hai tiểu đoàn Mỹ bị xóa sổ và mất sạch trang thiết bị. Dù được tăng cường tiếp viện, quân Mỹ không thể giành lại khu vực này.
Tuy nhiên, sau nhiều đợt giao tranh, quân đội Triều Tiên bị tiêu hao sinh lực đáng kể, rơi vào tình trạng thiếu thốn hậu cần và lực lượng. Đến lúc này, liên quân áp đảo về số lượng so với Triều Tiên trên chiến trường. Tình thế bất lợi của Triều Tiên ngày càng rõ rệt. Họ chỉ còn chưa đến 100 xe tăng, trong khi riêng quân Mỹ có hơn 600 xe tăng.
Nhận thấy không thể đánh thọc sườn vì các vùng biển đều bị hải quân Mỹ kiểm soát, Triều Tiên quyết định tung đòn đánh trực diện nhằm chiếm được Pusan trước khi mất hết cơ hội. Bình Nhưỡng tăng cường thêm 4 sư đoàn bộ binh mới, chia lực lượng làm 5 mũi, bắt đầu tấn công từ ngày 31/8.
Cuộc tấn công khiến liên quân hoàn toàn bị bất ngờ, bởi họ đều tin rằng đã đẩy lùi quân Triều Tiên ra khỏi khu vực Pusan.
Phía Triều Tiên chọc thủng phòng tuyến đầu tiên, đẩy lùi quân Liên Hợp Quốc sau những trận giao tranh ác liệt. Bị dồn vào thế chân tường, liên quân chống đỡ quyết liệt, cho đến khi quân Triều Tiên đánh mất ưu thế bất ngờ, đà tiến công bị chững lại rồi bị đẩy lùi từ ngày 15/9.
Vài ngày sau, thế vây hãm bị phá vỡ, liên quân lật ngược thế cờ và bắt đầu đẩy quân Triều Tiên ngược trở lại đến vĩ tuyến 38.
Sau chiến dịch kéo dài 6 tuần, hơn 44.000 lính Liên Hợp Quốc thiệt mạng, trong đó chủ yếu là binh sĩ Hàn Quốc. Triều Tiên mất hơn 60.000 người. Quân Liên Hợp Quốc giữ vững cảng Pusan để tiếp tục cuộc chiến cho tới khi hai bên đình chiến vào năm 1953.
Duy Sơn