Ông Trần Quốc Hương vào ngành tình báo giữa năm 1954 - khi Xứ uỷ Nam Kỳ cử ông Lê Đức Thọ ra Trung ương, đồng thời xin Trung ương tăng cường ông Hương. Ở miền Nam, ông được gọi là Mười Hương, cùng các ông Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo.
Trong biển người tiễn đưa Trần Văn Ơn, học sinh trường Pétrus Ký bị chính quyền Pháp nổ súng bắn chết trong phong trào biểu tình của học sinh - sinh viên Sài Gòn, ngày 15/1/1950, Phạm Xuân Ẩn cầm biểu ngữ đi đầu. Tấm ảnh này sau đó gây ấn tượng sâu với ông Mười Hương về thanh niên nhiệt thành yêu nước của phong trào sinh viên Sài Gòn - Gia Định.
Trong những dòng tự sự chép tay gửi ông Nguyễn Văn Phước (nhà sáng lập First News) quá trình làm sách Điệp viên hoàn hảo (năm 2013), ông Mười Hương cho biết chỉ vài lần gặp gỡ, trò chuyện, giữa ông và Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng thân nhau. Ông Hương là người cân nhắc chọn Phạm Xuân Ẩn, vạch kế hoạch đưa ông Ẩn đi Mỹ du học - bước chuẩn bị cho cuộc chiến quyết định với Mỹ.
Tuy nhiên, lúc này hoàn cảnh gia đình Phạm Xuân Ẩn rất khó khăn, cha bị bệnh lao, nhà lại đông anh em. Ẩn băn khoăn, tình cảnh gia đình như vậy, tiền đâu đi học ở Mỹ. Chính ông Hương lúc này động viên: "Cậu cứ đi đi, chuyện kinh phí để tôi lo".
Ngoài kinh phí, thêm một khó khăn nữa phát sinh khi các trường đại học Mỹ yêu cầu du học sinh phải có bằng tốt nghiệp trung học mà Ẩn chưa học xong bậc này. Ông Hương đề nghị Ẩn tìm hiểu xem có ngành nào không cần đến bằng trung học, sau đó được hồi đáp là ngành báo chí.
Ông khuyên Phạm Xuân Ẩn theo học nghề báo bởi có thể giao tiếp rộng, tiếp xúc với nhiều hạng người, thích hợp cho công tác tình báo. Ẩn nghe lời ông. Về sau, với vỏ bọc phóng viên hãng Reuters, tạp chí Time tại Sài Gòn đã giúp Phạm Xuân Ẩn nhiều trong hoạt động tình báo chiến lược.
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải - một trong số ít người được ông Mười Hương tin tưởng kể chuyện về cuộc đời mình, sau này được bà viết trong cuốn sách Trần Quốc Hương, người chỉ huy tình báo.
Theo lời kể của ông Mười Hương với bà Hải, năm 1958, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt tại một điểm hẹn ở Gò Vấp. 6 năm trong tù (1958-1963) là chuỗi ngày khốc liệt trong cuộc đời cách mạng của ông.
Biết ông là cán bộ cao cấp, anh em Ngô Đình Diệm tìm cách chuyển hướng tư tưởng để có thể sử dụng. Ở nhà tù Toà Khâm sứ (Huế), họ nhốt ông chung với một người từng là cán bộ kinh tài ở khu Năm, nay đã chuyển hướng, hợp tác với gia đình họ Ngô.
Người này nói, đường lối cách mạng miền Nam đang bế tắc, khuyên ông về với chính quyền hợp thức để khỏi bị tiêu diệt. "Cứ đấu tranh hòa bình với hai bàn tay trắng, địch đàn áp, ruồng bố, rồi ai cũng bị bắt thôi. Không có đường thoát". Im lặng hồi lâu, ông Mười Hương phê phán người này rồi nói: "Con đường tranh đấu chông gai, hãy tự mình xử sự cho đúng".
Có lần, Dương Văn Hiếu, Trưởng ty Công an Thừa Thiên vào tù truy vấn, cảnh cáo ông đừng hy vọng việc bỏ trốn hay tự tử, bởi đang bị theo dõi 24/24. Người này cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, cách xưng hô, một mặt tung hô ông, mặt khác thuyết phục ông khai báo.
Hiếu gặng hỏi: "Ông có phải tên Hương không?", sau nhiều lần Mười Hương khai tên giả khi bị hỏi cung. Lần này, nghĩ đã đến lúc đấu tranh trực diện nên ông Mười Hương thẳng thắn: "Đúng. Tôi là Hương".
"Các ông muốn gì? Dù ông muốn gì, tôi cũng nói trước cho các ông biết: Người cách mạng bị bắt có ba việc không làm: không khai báo, không nói xấu cách mạng, không nói xấu Chính phủ Cụ Hồ. Còn các ông muốn làm gì thì làm, nhưng tôi nói trước là tôi không khai", ông nói tiếp.
Tháng 11/1963, Ngô Đình Diệm bị đảo chính. Nhân cơ hội này, Trung ương giao nhiệm vụ cho các đơn vị phía Nam tìm cách đưa Mười Hương ra tù. Đại tá Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang), Cụm trưởng cụm tình báo H63 bàn với Phạm Xuân Ẩn cùng đồng đội kế hoạch giải cứu. Họ dùng tiền vay từ một nhà tư sản yêu nước, lo lót cho người giữ trại để người này lơi lỏng việc canh gác.
Mọi việc trót lọt, Phạm Xuân Ẩn là người đón ông Mười Hương, đưa về ngã tư Bảy Hiền rồi sau đó chuyển xe về Phú Hoà Đông (huyện Củ Chi).
Kể với VnExpress, ông Tư Cang cho biết, lúc đó ông và đồng đội ăn trưa cùng Mười Hương tại căn cứ Bến Đình. Ông ấy được trở về Bời Lời (Trảng Bàng) để thoát khỏi sự truy đuổi. "Đó là người sống chân tình, rất ít nói về mình mà chỉ nói về công lao người khác", ông Tư Cang nhận xét.
Sau này, Tư Cang và Mười Hương nhiều lần trò chuyện với nhau ở các buổi gặp mặt cựu tình báo, hay ở nhà riêng. Lần nào ông Mười Hương cũng nắm tay Tư Cang giới thiệu với mọi người: "Đây là anh Tư Cang, người đã cứu tôi ra khỏi nhà tù".
Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, ông Mười Hương cùng các cộng sự lập nhiều chiến công, xây dựng nên những huyền thoại tình báo. Ngoài thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn (biệt danh X6, nhân vật Điệp viên hoàn hảo, Larry Berman) còn Vũ Ngọc Nhạ (nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết Ông cố vấn, Hữu Mai), đại tá Lê Hữu Thuý (nguyên mẫu trong tiểu thuyết Điệp viên giữa sa mạc lửa, Nhị Hồ), Phạm Ngọc Thảo (nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết Ván bài lật ngửa, Nguyễn Trương Thiên Lý).
Những nhà tình báo nổi tiếng này tin tưởng tuyệt đối ông kể cả trong những tình thế gay go giữa làn ranh sinh tử. Khi ông Mười Hương bị bắt năm 1958, cấp trên rất lo khả năng Phạm Xuân Ẩn khi đó đang học ở Mỹ không về Việt Nam bởi lo mọi chuyện bại lộ. Riêng ông Hương lại đặt trọn niềm tin nơi Ẩn.
Sau ngày thống nhất 1975, khi có dịp gặp nhau, ông Hương hỏi ông Ẩn: "Nghe tin bị bắt, sao cậu vẫn về?". Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn trả lời: "Bên nhà báo tin sang "anh Hai mệt nặng nên không đến", em biết là anh đã bị bắt. Nhưng em tin anh sẽ không khai nên em về".
Ông Phạm Xuân Ẩn có niềm tin tuyệt đối vào ông Mười Hương, là đàn anh, người thầy, sẽ bảo vệ ông đến cùng.
Ông Trần Quốc Hương tên thật là Trần Ngọc Ban, sinh năm 1924, tại xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 14 tuổi, ông tham gia phong trào Thanh niên dân chủ.
Học hết lớp nhất tại trường Tiểu học Phủ Lý, Ban chuyển lên Hà Nội nhập học ở trường dòng phố Nhà Chung, lúc này đổi tên là Hương, tham gia phong trào Hướng đạo và Hội truyền bá quốc ngữ.
Năm 1943, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, làm thư ký riêng cho Tổng Bí thư Trường Chinh. Ông cũng là một trong những người chuẩn bị cho buổi ra mắt quốc dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Sau năm 1975, ông Trần Quốc Hương lần lượt giữ các chức vụ: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VI, Bí thư Trung ương Đảng khóa VI.
Hôm 11/6, ông Mười Hương qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), hưởng thọ 96 tuổi. Lễ viếng, truy điệu, an táng sẽ được thông báo sau.