Trần Bạch Đằng tên thật là Trương Gia Triều quê ở Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang), là cháu nội nhà chí sĩ yêu nước Trương Gia Mô (còn gọi là cụ Nghè Mô).
Trong sự nghiệp, Trần Bạch Đằng có nhiều bút danh như: Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trương Thiên Lý, Trần Quang... và tham gia ở nhiều thể loại. Ban đầu, ông viết tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm, kể về quãng đời hoạt động của nhân vật có thật - anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo với bí danh Chín T. Tiểu thuyết được chuyển thể thành kịch bản phim Ván bài lật ngửa.
Bộ phim nhựa đen trắng dài tám tập do Xí nghiệp phim Tổng hợp TP HCM sản xuất từ năm 1982 đến 1987. Với nhiều khán giả, bộ phim là đỉnh cao của điện ảnh Việt Nam. Sau khi hoàn thành phim, nhà văn chuyển ngược từ kịch bản sang tiểu thuyết, lấy tên Ván bài lật ngửa, xuất bản năm 1986 và ký bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý.
Nhìn chung nội dung trong phim chỉ là phần đầu của tiểu thuyết. Ngược lại, nhiều tình tiết trong phim và các nhân vật phụ được yêu thích như gã đầu bạc, Bảy Cầu Muối... không có trong tiểu thuyết.
Trần Bạch Đằng còn là tác giả của nhiều tiểu thuyết góp phần thúc đẩy xu thế đổi mới của đất nước như Chân dung một quản đốc (1978), Ngày về của ngoại (1985) và những tập truyện ngắn nóng bỏng tính thời sự như Bác Sáu Rồng (1975), Một ngày của bí thư tỉnh ủy (1985).
Tại hội thảo kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà cách mạng Trần Bạch Đằng, nhà văn Lê Văn Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM đánh giá: "Văn Trần Bạch Đằng chính là con người ông, ý chí chiến đấu, hành động không ngơi nghỉ, dấn thân, dũng cảm, hòa đồng với quần chúng".
Câu 3: Những tác phẩm của Trần Bạch Đằng như: "Bài ca khởi nghĩa", "Hành trình", "Theo sóng Đồng Nai" thuộc thể loại gì?