Ngày 15/12, Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam rốt ráo xác minh việc trăn nặng hàng chục kg ở rừng Già thuộc ba xã Quế Thọ (huyện Hiệp Đức) và Quế An, Quế Phong (huyện Quế Sơn) liên tục xuất hiện và tấn công gia súc của người dân. “Chúng tôi chưa bao giờ nghe trăn quý và lớn như vậy lại có ở vùng trung du này”, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm nói.
Trong khi đó, các bậc cao niên sống dưới chân núi khẳng định rừng Già có rất nhiều trăn, gần như năm nào người dân cũng bắt được con lớn từ 30 kg trở lên. Ông Mai Xuân Hương, nguyên Phó bí thư huyện ủy Quế Sơn, kể năm 1967, lữ đoàn 198 thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ đến đóng quân ở trên đỉnh rừng Già. Buổi sáng ngày cuối năm, một binh sĩ xuống suối lấy nước bất ngờ đụng phải con trăn đang phục sẵn trên cây chờ mồi đi qua.
“Bị tấn công bất ngờ, không kịp phản ứng, binh sĩ Mỹ nhanh chóng bị trăn quấn chặt. Đồng đội của anh ta bắn nhiều phát đạn nhưng con trăn không chịu buông người. Trăn bị bắn chết, lính Mỹ phải điều trực thăng kéo lủng lẳng cả con trăn đang quấn chặt người về căn cứ ở trung tâm huyện mới lấy được thi thể binh sĩ ra”, ông Hương kể và cho hay con trăn đó được xác định nặng hơn 80 kg.
Từng là Xã đội phó Sơn Long (nay là xã Quế An và Quế Phong), ông Trần Văn Thuyên (65 tuổi) kể rất nhiều lần người dân đối đầu với trăn lớn trên rừng Già. “Khi binh sĩ Mỹ bị trăn quấn chết tôi cũng đang đóng quân bên trong hang đá ở rừng Già. Trăn nhiều lắm, bộ đội cho đến người dân đụng phải liên tục, nhưng đã đề phòng trước nên không bị quấn. Có người bỏ chạy, có người liều lĩnh tìm cách bắt trăn mang về thịt”, ông Thuyên nói.
Vì sao rừng Già nhiều trăn?
Ông Trần Văn Thuyên cho rằng rừng Già có rất nhiều hang đá ẩm ướt, cây cối um tùm nên thích hợp với trăn. “Đỉnh núi cao nhất chỉ có 381 m, diện tích cũng không rộng lắm nhưng có hàng trăm hang động lớn nhỏ và nhiều khe suối. Hồi xưa gọi là rừng Già bởi toàn những cây cổ thụ lớn, nay toàn bộ đã bị chặt hạ”, ông Thuyên nói và cho hay hiện vùng này còn nhiều lợn rừng, nai…, vốn là con mồi ưa thích của trăn.
“Những năm đóng quân trong hang đá, tôi còn bắn được hàng chục con lợn rừng làm thực phẩm cho bộ đội. Có thể thời gian gần đây các loài thú rừng bị săn bắn gần cạn kiệt, trăn mất hết thức ăn nên mới xuống gần chân núi tấn công đàn gia súc”, ông Thuyên nhận định.
Đã phải di dời trại chăn nuôi từ lưng chừng núi xuống sát ruộng sau khi mất 400 con dê, gần đây hộ anh Nguyễn Kỳ (45 tuổi, xã Quế Phong) vẫn liên tục mất dê do đàn trăn gây ra. Anh cho rằng trên núi có nhiều hang đá ẩm ướt nên trăn hay tới trú ngụ. "Thậm chí có hang đủ rộng để chứa cả nghìn người. Có hang chạy từ chân lên đỉnh núi mà chúng tôi chả bao giờ dám tới. Ở đó không chỉ có trăn mà còn nhiều loài nguy hiểm nữa”, anh Kỳ nói.
Theo anh Kỳ, cũng có người đặt bẫy suốt 15 ngày nhưng chỉ bắt được 2 con trăn nặng chưa đầy 20 kg, loại đó quá nhỏ. "Chúng tôi làm trại ở đây nhưng chẳng bao giờ dám cho con cái lên chơi, vì sợ trăn”, chủ trang trại nói.
Trước đó trưa 10/12, phát hiện mất bê con, chị Nguyễn Thị Minh ở thôn Phú Cốc Tây, xã Quế Thọ, đi tìm và phát hiện con trăn nằm dưới suối bụng căng tròn. Nghi nó là thủ phạm nuốt bê con, chị Minh báo cho người nhà đến vây bắt được con trăn nặng hơn 30 kg, dài 5 m, trong bụng chứa bê con 30 kg.
Ngay sau đó người dân các xã lân cận, quanh khu vực rừng Già phản ánh đàn trăn đã tấn công hàng loạt bò, dê. Có người từng bắt được con trăn nặng 83 kg, còn những loại dưới 10 kg tiến sát khu dân cư thì rất nhiều.
Tiến Hùng