Ngày 11/12, lo ngại trăn núi tiếp tục tấn công đàn bò, chị Nguyễn Thị Minh, thôn Phú Cốc Tây, xã Quế Thọ (Hiệp Đức, Quảng Nam) cùng nhiều hộ dân lên rừng Già, lùa gia súc về nhốt trong chuồng. Từ xưa đến nay, người dân địa phương vẫn thường thả rong dê, bò trên núi.
Lùa đàn bò khoảng 15 con về đến nhà, khuôn mặt vẫn chưa hết âu lo, chị Minh kể, cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình chị làm một căn chòi nhỏ ở trên núi chăn bò. Khu vực rừng Già gồm đồi núi chỉ cao vài trăm mét, rộng hơn 100 ha thuộc địa phận ba xã Quế An, Quế Phong (huyện Quế Sơn), và xã Quế Thọ (huyện Hiệp Đức). Nếu trời quá rét, các hộ dân sẽ lùa gia súc về nhà trú ngụ, còn không thì thả rong trên núi mà không bị mất trộm.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay nhà chị Minh mất 4 con bê không rõ nguyên nhân. “Ở đây không bị mất trộm, còn nếu bê bị rơi xuống vách đá thì cũng phải tìm thấy xác vì khu vực rừng Già không rộng lắm”, người phụ nữ nói.
Tối 9/12, con bò cái nhà chị Minh từ trên núi chạy về nhà nhưng không có con bê 4 tháng tuổi đi theo. Nghĩ bê bị lạc, sáng hôm sau chị dắt bò mẹ lên núi tìm. “Thả bò mẹ ra khỏi chuồng là nó chạy một mạch lên khu vực suối nước, nơi con trăn đang nằm cuộn tròn với cái bụng phình to. Lúc này tôi mới tin chắc đây là thủ phạm ăn thịt những con bê nhà mình”, chị Minh kể và cho biết đã vội chạy xuống núi gọi người lên bắt trăn.
7 thanh niên trong làng đã vây bắt, khiêng trăn về nhà chị Minh mổ bụng lấy con bê ra. “Lúc này con bê nặng gần 30 kg đã bốc mùi. Còn con trăn dài hơn 5 m, nặng 32 kg tôi bán 5 triệu cho hàng xóm”, chị kể tiếp. Hàng trăm người đến xem con trăn bị bắt, nhiều người “tố cáo” nó là thủ phạm gây ra những vụ mất tích gia súc của họ.
“Xưa nay chỉ nghe nói, không chứng kiến trăn nuốt trọn con bê to như vậy nên chưa tin. Quá khủng khiếp, giờ thấy vậy nên ai cũng lo lắng, lùa gia súc về nhà”, ông Lê Văn Ngũ (62 tuổi), nói.
Khác với người dân xã Quế Thọ khi lần đầu chứng kiến trăn tấn công gia súc, những hộ dân làm trang trại chăn nuôi dê ở phía bên kia chân núi thuộc xã Quế Phong nhiều năm nay khốn đốn vì trăn liên tục tấn công đàn dê. “Chỉ 5 năm qua, tôi mất 40 con dê, thủ phạm không ai khác chính là những con trăn ở rừng Già. Có khi vào chuồng dê, nó quật chết cả 10 con nhưng chỉ nuốt một con rồi bỏ đi”, anh Lê Công Tâm (38 tuổi) nói.
Bực tức, anh Tâm cùng một số chủ trang trại tổ chức mai phục để bắt trăn. Từ đầu năm đến nay, anh Tâm bắt được 3 con trăn, con lớn nhất nặng 63 kg, dài 7 m. Hai con khác nặng 20 và 30 kg.
“Hôm đó khoảng 13h, tôi vừa lên trang trại thì nghe tiếng dê kêu ré lên, biết chắc là bị trăn tấn công nên xách cây rựa đi tìm. Trăn bỏ chạy vào hang đá khi chưa kịp nuốt con dê”, anh Tâm kể. Thấy nó cuộn tròn trong một hốc đá nên anh Tâm lập tức chạy vào lán lấy dây phanh xe đạp ra để bắt.
Gần 5 tiếng vật lộn, liên tục trở người để tránh bị trăn cuốn vào mình, anh Tâm mới khống chế được nó rồi gọi người nhà mang về. Con này sau đó anh Tâm bán cho thương lái hơn 7 triệu đồng. Sau đó ít tháng, chủ trang trại này tiếp tục mai phục và bắt thêm được 2 con khi chúng đang vào chuồng dê tấn công.
Cùng cảnh ngộ với anh Tâm, ông Nguyễn Kỳ (45 tuổi, xã Quế Phong) gần đây phải di dời trang trại dê từ chân núi về gần nhà khi liên tiếp bị trăn tấn công. “Từ khi làm trại dê năm 1995 đến nay, tôi mất hơn 400 con dê, gần như khánh kiệt. Mặc dù mai phục và chém được 3 con nặng từ 30 đến 45 kg, nhưng lo ngại trăn trên rừng Già, tôi phải chuyển trại xuống ruộng cho an toàn”, ông Kỳ nói.
Người dân ở vùng này cho hay thường xuyên bắt được những con trăn nặng dưới 10 kg khi chúng xuống dưới ruộng gần khu dân cư. Còn những con lớn chỉ có những chủ trang trại mai phục và có kinh nghiệm mới bắt được. Tất cả được cho là cùng một loại trăn gấm, trong đó con lớn nhất bị người dân bắt nặng hơn 85 kg cách đây khoảng 20 năm.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Quế Thọ, cho biết việc người dân bắt được trăn loại nhỏ rất thường xuyên. “Khu vực rừng Già khá nhiều trăn, người dân bắt được sợ nhà chức trách thu giữ nên làm thịt hoặc bán luôn. Chúng tôi khi nghe được thông tin thì sự việc đã xong rồi”, ông Sơn nói.
Tiến Hùng