Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa một phần suốt hai ngày nay vì đàm phán ngân sách thất bại. Ảnh hưởng của sự kiện này được dự đoán sẽ tăng lên nếu tình hình kéo dài. Nhất là khi các số liệu cần thiết để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế, như báo cáo việc làm hay số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới, có khả năng không được công bố tuần này do các văn phòng thống kê đều đã ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, lịch sử cho thấy chỉ đóng cửa thôi sẽ không gây nhiều thiệt hại lên nền kinh tế Mỹ nói chung. JPMorgan ước tính một tuần đóng cửa sẽ lấy đi 0,12% tăng trưởng quý IV, do lương trả cho công chức giảm. Tuy vậy, khảo sát không bao gồm ảnh hưởng lên lĩnh vực tư nhân hay niềm tin người tiêu dùng. Thiệt hại này cũng có thể được bù lại sau khi Chính phủ mở cửa và Quốc hội đồng ý trả lương ngày nghỉ cho công chức, như đã từng làm trước đây.
Wall Street Journal cho rằng rủi ro lớn hơn với nền kinh tế và thị trường là nguy cơ cuộc chiến ngân sách kéo dài sẽ khiến các nhà làm luật không thể thông qua nâng trần nợ vào giữa tháng 10. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết nếu không nâng trần, Chính phủ sẽ không còn tiền để chi trả nhiều khoản, như lương quân nhân hay lãi suất các khoản nợ.
Vấn đề này phức tạp và nguy hiểm hơn ngân sách rất nhiều, CNBC nhận định. Do ngân sách còn có hạn chót 30/9, trong khi Chính phủ không biết khi nào mới thực sự cạn tiền. Mỹ đã chạm trần nợ 16.700 tỷ USD từ tháng 5. Kể từ đó, Bộ Tài chính nước này đã phải sử dụng rất nhiều biện pháp khẩn cấp để tránh vỡ nợ.
Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew cũng cho biết họ đã áp dụng các giải pháp cuối cùng để xoay xở với ngân sách eo hẹp. Đến ngày 17/10, cơ quan này sẽ chỉ còn 30 tỷ USD, cộng thêm doanh thu thuế. Trong khi đó, những khoản mà họ phải chi ra có thể lên tới 60 tỷ USD.
Bill Gross - Giám đốc quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO cho rằng vỡ nợ là điều "không thể tưởng tượng được" và sẽ có hậu quả "khủng khiếp" lên chi phí đi vay của Mỹ. Việc này cũng sẽ châm ngòi cho "một chuỗi diễn biến phức tạp trên toàn cầu", gây sóng gió cho thị trường tài chính, ông nhận xét trên Bloomberg.
Khi Mỹ ngừng chi trả, người về hưu sẽ phải cắt giảm chi tiêu, còn các nhà thầu của Chính phủ sẽ phải sa thải hàng loạt nhân viên. Chi tiêu liên bang sẽ giảm 20% chỉ trong một đêm. Không được vay nợ kéo dài còn đẩy nền kinh tế vào suy thoái, khiến lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng vọt, thậm chí gây đóng băng tín dụng toàn cầu như sau vụ sụp đổ Lehman Brothers năm 2008.
Các chiến lược gia tại Bank of America Merrill Lynch cũng cho biết các lần Chính phủ đóng cửa trước có tác dụng khá tích cực với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, điểm khác biệt lần này là thời hạn nâng trần nợ đang đến rất gần.
Sau ngày đầu tiên Chính phủ đóng cửa tăng mạnh, cả ba chỉ số chủ chốt trên sàn chứng khoán Mỹ hôm qua đều giảm điểm. Mạnh nhất là Dow Jones với 0,4%. Nguyên nhân là nhà đầu tư bắt đầu đánh giá ảnh hưởng của cuộc chiến ngân sách lên nền kinh tế.
Hôm qua, CEO Goldman Sachs – Lloyd Blankfein và hàng loạt giám đốc ngân hàng khác đã cảnh báo Tổng thống Barrack Obama rằng hậu quả dài hạn của việc đóng cửa sẽ "cực kỳ nghiêm trọng" nếu Mỹ không nâng trần nợ. Blankfein cho biết: "Chúng ta không nên làm gì ảnh hưởng đến sự phục hồi vốn đã rất nông và không bền vững này. Đóng cửa Chính phủ và đặc biệt là không nâng trần nợ chính là việc nên tránh".
Thùy Linh