Tôi biết rõ Văn Hậu vì từng làm việc cùng với em tại vòng chung kết U20 World Cup. Hậu có thể hình rất lý tưởng cho một cầu thủ chuyên nghiệp, cao 1,85 mét và người chắc nịch. Nhưng chiều cao ấy là hơi quá cao so với những hậu vệ cánh thuần túy. Bởi vì những hậu vệ cánh xuất sắc trên thế giới xưa nay đa phần đều... lùn.
Làm việc với Hậu, tôi thích nhất ở em là sự đa năng. Hậu có thể đá cả hậu vệ lẫn tiền vệ cánh bởi khả năng tấn công rất tốt. Những cú sút xa của Hậu là một vũ khí bí mật của những đội bóng có em. Và tiềm năng của Hậu vẫn còn rất lớn. Nếu được phát triển đúng mức, Hậu có thể trở thành một trong những hậu vệ cánh hàng đầu trong khu vực. Nhưng nếu phải so, có lẽ tôi chỉ dám dừng lại ở Dusit Chalermsan của Thái Lan, cũng là một cầu thủ leo biên hàng đầu Đông Nam Á.
Thành ra, tôi hơi lo khi đọc được những so sánh đặt Hậu lên với... Gareth Bale. Bale là cầu thủ xuất chúng của bóng đá thế giới, từng buộc Real Madrid phải phá kỷ lục chuyển nhượng để mang anh về. Bale cũng từng khởi đi từ hậu vệ trái, sau lên tiền vệ trái và bây giờ đá như một tiền vệ tấn công. Nhưng Bale là Bale, mà Hậu là Hậu. Những sự so sánh vội vàng có thể đặt những áp lực không đáng lên vai một chàng trai đôi mươi như Hậu. Có lẽ chúng ta cũng từng nghe những thần đồng một thuở của bóng đá Anh, mãi không thể lớn vì truyền thông khoác lên họ những chiếc áo quá rộng.
Hậu khác Bale ở chỗ em có thể đá được cả trung vệ. Cao, nhanh, tranh chấp tốt thì đá trung vệ cũng rất ổn. Từ ngày em chơi cho U18 Việt Nam tham dự vòng chung kết U18 châu Á, tôi đã nhìn thấy rõ sự tiến bộ ở Hậu. Nhưng tôi chưa bao giờ dành một lời quá khen nào cho em, vì tôi biết điều em cần bây giờ là được phát triển, chứ không phải là những lời có cánh.
Timor Lester là một đối thủ quá nhẹ. Việc Văn Hậu lập cú đúp là một điều đáng lo hơn đáng mừng. Đáng lo ở chỗ chúng ta có nhiều cơ hội ghi bàn đến vậy, mà phải cậy một hậu vệ trái lên tham gia tấn công ghi đến phân nửa số bàn. Nghĩa là khả năng tận dụng cơ hội của các tiền đạo và tuyến hai không tốt. Khi gặp đối thủ mạnh hơn, những cơ hội mười mươi sẽ không còn nữa.
So với thời của tôi khi truyền thông hãy còn ở giai đoạn chập chững và mạng xã hội là điều xa xỉ, áp lực lên các cầu thủ ngày nay đã lớn hơn rất nhiều. Không ai hô hào cụ thể, nhưng mọi người Việt Nam đều mơ về chiếc HC vàng, mục tiêu và cũng có thể nói là một nỗi ám ảnh. Trong khu vực, không ai giành Vàng nhiều hơn Thái Lan và không ai về nhì nhiều hơn Việt Nam.
Vì thế tôi mong tất cả hãy tỉnh táo khi gặp những trường hợp nổi lên như Văn Hậu. Em còn rất trẻ, cần những khuyên bảo để cải thiện hơn là những lời khen có cánh. Vì chúng có thể là những viên đạn bọc đường khiến các em tự thỏa mãn. Tôi luôn tin Hậu vẫn cần cải thiện hơn nữa ở khả năng phòng ngự. Campuchia là một bài kiểm tra khó khăn hơn. Những trận hòa Trung Quốc 0-0 hay thua Nhật Bản 0-2 với lối chơi tử thủ cho thấy họ đã có những bước tiến không nhỏ về chuyên môn và tinh thần.
Sự tỉnh táo luôn cần thiết, vì một tương lai có... Hậu!
Trần Minh Chiến từng cùng CLB Công an TP HCM vô địch quốc gia 1994. Năm đó anh là Vua phá lưới (14 bàn), đồng thời đoạt giải Cầu thủ trẻ hay nhất. Một năm sau anh cùng đội tuyển đến Thái Lan dự SEA Games 18 và trở về cùng tấm HC bạc. Bàn thắng vàng của anh trong trận đấu với Myanmar mang Việt Nam vào chung kết, và là nguồn cảm hứng cho giải thưởng Quả Bóng Vàng Việt Nam sau này. Do chấn thương cứ tái đi tái lại, anh phải giải nghệ ở tuổi 22. Đó là một trong những điều đáng tiếc nhất đối với bóng đá Việt Nam. *Bàn thắng vàng của Minh Chiến
Tại SEA Games 2017, cựu danh thủ sinh năm 1974 sẽ đồng hành cùng VnExpress, đưa ra những góc nhìn đặc biệt về U22 Việt Nam. |
Trần Minh Chiến