Người ta không thể bắt Công Phượng đá một chạm như Công Vinh, cũng như không thể bảo Công Vinh rê bóng như Công Phượng. Lúc còn thi đấu, tôi là có vết tì chấn thương nên rất ngại va chạm. Tôi ít khi dám đứng trong vòng cấm vì trong đó đông quá, tôi sợ hậu vệ giẫm lên chân mình. Thành ra tôi né ra rìa vòng cấm và "đánh hơi" ở quanh đó. Tôi đã ghi nhiều bàn thắng theo kiểu rình rập như thế, thay vì dùng sức tranh chấp với hậu vệ đối thủ. Chứ bảo tôi tranh chấp tay đôi và đua tốc độ thì tôi... bó chân.
Mỗi cầu thủ đều có sở trường và sở đoản, có những "ngón nghề" yêu thích để thi triển trong mỗi trận đấu. Và Công Phượng suốt mấy năm qua vẫn là em mà thôi. Nếu những pha độc diễn qua ba, bốn cầu thủ đã từng khiến Phượng được yêu mến, thật khó để yêu cầu em phải bỏ cách chơi ấy. Có những cầu thủ hạnh phúc khi làm tốt phận sự của mình, nhưng cũng có những người chỉ thật sự vui khi nhận được những tiếng trầm trồ từ khán đài. Ta không thể nói cầu thủ nào đáng quý hơn cầu thủ nào.
Nhưng Phượng có nhiều tấm gương để dõi theo. Lấy luôn cầu thủ đang thành công nhất thế giới bây giờ là Cristiano Ronaldo. Từ một người rê dắt rất nhiều những năm tuổi trẻ, Ronaldo tiết chế dần và trở thành cầu thủ dứt điểm một chạm hàng đầu thế giới. Điều đó khiến anh trụ được lâu với nghề, và liên tục tiến bộ không ngừng. Nhưng Ronaldo thì vẫn là Ronaldo, vẫn điệu đà, thích mình là tâm điểm và ích kỷ - theo nghĩa tích cực của một tay săn bàn. Anh không thay đổi bản chất con người mình.
Phượng hãy cứ là em thôi, nhưng sự thay đổi sẽ giúp em hoàn thiện, để thích nghi với tính chất trận đấu ngày càng khốc liệt hơn. SEA Games vẫn là tuyến trẻ, tương lai sẽ là đội tuyển quốc gia và những giải đấu lớn hơn. Và không phải ai cũng cho em khoảng trống để thi triển kỹ thuật. Tiết chế dần dần là cách để em tiết kiệm năng lượng cho những cú bứt phá thật đáng. Bóng đá là trò chơi của những bất ngờ. Nếu đối phương nghĩ em lừa, thử chuyền xem sao. Nếu họ nghĩ em chuyền, hãy sút táo bạo vào. Hãy để tâm trí thật tự do, và người hâm mộ sẽ không phải than phiền "sao rê dắt nhiều thế" nữa.
Còn về việc nghi án tẩy thẻ, tôi thấy chuyện không có gì phải ầm ĩ. Ở châu Âu, Jose Mourinho đã bao lần chỉ thị cho các cầu thủ phải lấy thẻ ngay trên sân để bảo toàn quân số cho những trận đấu lớn phía sau. Có Fair Play cao thượng đến mấy đi nữa thì cũng phải nghĩ đến kết quả cuối cùng. Chúng ta đã gặp quá nhiều khó khăn ở giải, một bảng đấu nặng hơn, mật độ thi đấu dày hơn và cấp độ càng ngày càng khó. Nếu vẫn quân tử giả hiệu một cách quá đáng thì chính chúng ta bị thiệt khi gặp đối thủ mạnh. Và nếu Hữu Thắng có chỉ thị tẩy thẻ đi chăng nữa thì tôi vẫn xem đấy là chuyện dễ hiểu và thông minh. Điều quan trọng nhất lúc này là Văn Hậu và Xuân Trường được nghỉ ngơi trận tiếp theo, để có thể sung sức nhất trong các trận đấu với Indonesia rồi Thái Lan.
Chúng ta có thể bàn luận về việc tẩy thẻ này, nhưng thi đấu trung thực tuyệt đối để rồi có thể mất hai trụ cột này trong các trận đấu then chốt, đồng nghĩa với việc có thể đón nhận kết quả bất lợi, thì mang tiếng... vẫn hơn.
Trong thể thao, người ta chỉ nhớ đến kẻ chiến thắng.
Trần Minh Chiến từng cùng CLB Công an TP HCM vô địch quốc gia 1994. Năm đó anh là Vua phá lưới (14 bàn), đồng thời đoạt giải Cầu thủ trẻ hay nhất. Một năm sau anh cùng đội tuyển đến Thái Lan dự SEA Games 18 và trở về cùng tấm HC bạc. Bàn thắng vàng của anh trong trận đấu với Myanmar mang Việt Nam vào chung kết, và là nguồn cảm hứng cho giải thưởng Quả Bóng Vàng Việt Nam sau này. Do chấn thương cứ tái đi tái lại, anh phải giải nghệ ở tuổi 22. Đó là một trong những điều đáng tiếc nhất đối với bóng đá Việt Nam. *Bàn thắng vàng của Minh Chiến
Tại SEA Games 2017, cựu danh thủ sinh năm 1974 sẽ đồng hành cùng VnExpress, đưa ra những góc nhìn đặc biệt về U22 Việt Nam. |
Trần Minh Chiến