Phần lớn động đất kéo dài từ vài giây đến vài phút. Tuy nhiên, một số lại diễn ra âm ỉ trong vài ngày, tuần, thậm chí tháng, với tần số thấp mà có thể trên mặt đất không cảm nhận được. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) tìm ra trận động đất chậm nhất từng ghi nhận, kéo dài đến 32 năm, New Atlas hôm 31/5 đưa tin.
Động đất xảy ra do sức ép khi hai mảng kiến tạo xô vào nhau. Dần dần, sức ép lớn đến mức đá không thể chịu được và biến đổi. Sự biến đổi thường xảy ra đột ngột, tạo nên những rung chấn có thể cảm nhận trên mặt đất và gây ra tổn thất. Tuy nhiên, cũng có lúc các mảng kiến tạo trượt qua nhau chậm hơn, tạo nên rung chấn nhẹ mà chỉ những thiết bị siêu nhạy mới phát hiện ra. Các sự kiện trượt chậm (SSE) thường kéo dài vài tuần, một số từng được ghi nhận kéo dài đến ba năm.
Các chuyên gia tại tại Đại học Công nghệ Nanyang phát hiện trận động đất chậm kỷ lục khi đang nghiên cứu cấu trúc san hô cổ đại bất thường gọi là "microatoll" (san hô vòng, phần trên đỉnh đã chết nhưng xung quanh vẫn sống) ở ngoài khơi Sumatra, Indonesia. Những cấu trúc này phát triển chậm, là "bản ghi chép" tốt về sự thay đổi của mực nước biển và độ cao đất.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy sự thay đổi trong giai đoạn 1738 - 1829 vẫn bình thường, các cấu trúc san hô vòng lún xuống với tốc độ ổn định từ 1 - 2 mm mỗi năm. Khoảng năm 1829, tốc độ đột ngột tăng lên thành 10 mm mỗi năm - sự chuyển dịch này có liên quan đến các mảng kiến tạo. Tình trạng lún nhanh tiếp diễn trong khoảng 32 năm, đánh dấu một trận động đất trượt chậm dài kỷ lục. Sự kiện âm ỉ này kết thúc bằng trận động đất mạnh 8,5 độ ở Sumatra năm 1861, một thảm họa khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Việc theo dõi chặt chẽ hơn các sự kiện trượt chậm kéo dài có thể giúp phát triển một hệ thống cảnh báo sớm cho những trận động đất lớn trong tương lai, nhóm nghiên cứu nhận xét. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Geoscience.
Thu Thảo (Theo New Atlas)