Sau sáu năm nghiên cứu, các chuyên gia thuộc lĩnh vực khoa học máy tính và quản lý động đất, chế tạo hệ thống giám sát động đất bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống được thử nghiệm trong một năm tại Khu thực nghiệm Động đất Trung Quốc thuộc tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam.
Dựa trên so sánh kết quả 446 trận động đất năm 2019, Cục Quản lý Động đất Trung Quốc đánh giá độ chính xác của hệ thống giám sát lên tới 95%, cảnh báo trong vài giây và đưa ra tất cả các thông số về cơn địa chấn. Trong khi hệ thống tự động tiên tiến nhất hiện nay của Cục Khảo sát Địa chất Quốc gia Mỹ (USGS) mất tới 3-5 phút để tính toán trước khi gửi tới các cơ quan khác.
Nhóm nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết hiệu quả bài toán dữ liệu phức tạp. Những thông số về cường độ, độ sâu, cơ chế đứt gãy được xử lý nhờ quá trình đào tạo mạng neural. Thay vì phải trực và cập nhật thủ công suốt 24 giờ, dữ liệu từ những cảm biến ngoài địa hình thực tế được tự động chuyển đến bộ xử lý. Sau đó, thông báo từng cấp độ địa chấn tới máy chủ với tốc độ 1-2 giây.
"Độ chính xác đến từng giây rất quan trọng bởi theo tính toán thử nghiệm, nếu chúng ta có thể nhận được thông tin cảnh báo động đất trước 3 giây thì mức độ thương vong về người sẽ giảm đi 14%. Trước 10 giây, con số này sẽ tăng lên 39%", Giáo sư Zhang Jie, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Khi trận động đất xảy ra, tín hiệu về sóng địa chấn được truyền đến một mạng lưới giúp chuyên gia sử dụng các thuật toán xử lý, để thu được tâm chấn động đất. Từ đó thông báo nhanh chóng tới người dân kịp thời phòng tránh động đất.
Mặc dù nhiều quốc gia sử dụng các thuật toán điều khiển tự động để thu thập thông tin về động đất nhưng yêu cầu tổ chức giám sát phải trực liên tục thủ công 24 giờ, kết quả thường xảy ra báo động giả hoặc độ chính xác không cao. Ông Zhang cho biết, hệ thống sẽ được nhóm nghiên cứu thử nghiệm ở quy mô lớn hơn, tại những vùng thường xuyên xảy ra động đất, nơi hạn chế về công nghệ cảnh báo người dân.
Nguyễn Xuân (Theo CnBeta)