Trần Cảnh Đôn qua đời tại nhà vì nhồi máu cơ tim ở tuổi 62, tối 21/10. Trên Facebook, nhiều người chia sẻ lại các sản phẩm nhạc anh từng đạo diễn cạnh gia tài về phim ảnh.
Dấu ấn đậm nét nhất của Cảnh Đôn ở làng nhạc là series Mưa bụi thập niên 1990. Thuở ấy, anh là một trong những đạo diễn có tiếng tăm, nhiều người muốn hợp tác. Nhạc sĩ Minh Vy - khởi xướng series - đã mời anh đảm nhận vai trò đồng đạo diễn, biên kịch. Họ cùng các đạo diễn Lê Lộc, Kim Loan, Lâm Lê Dũng, Minh Vy... sản xuất hàng trăm video Mưa bụi từ năm 1994-1998, trở thành "hiện tượng" âm nhạc một thời. Các tập có thời lượng khoảng 100 phút, nội dung giới thiệu các MV mới, kèm phần giao lưu với nghệ sĩ.
Qua loạt video, anh góp phần đẩy tên tuổi nghệ sĩ Đình Văn, Tài Linh, Chế Thanh, Thùy Trang, Kim Tử Long, Hồng Vân, Bảo Chung, Bảo Quốc, Duy Phương, Hồng Tơ..., các ca sĩ dòng nhạc nhẹ như Lam Trường, Cẩm Ly, Phương Thanh... "Hoàng tử Mưa bụi" Đình Văn thừa nhận: "Để có thành công như hôm nay, tôi nhờ ơn Cảnh Đôn rất nhiều. Anh là người làm nên các video gắn liền tên tuổi tôi như Mật đắng tình yêu, Đời phù du, Giăng câu 1 và 2, Tình đẹp mùa chôm chôm, Anh Sáu về quê, Duyên tình, Nhắn cánh chim chiều, Ai đi chài tôm...".
* Đình Văn hát "Giăng câu" tưởng nhớ Cảnh Đôn
Cảnh Đôn làm MV gần gũi, giản dị, mang hương vị vùng quê. Các góc máy của anh thường xuất hiện hình ảnh đồng lúa, con trâu, chiếc cầu tre... Đình Văn nhớ Giăng câu 1 quay ở Cát Lái (TP HCM) năm 1993, bối cảnh đậm chất miền Tây với căn nhà tranh, cây cầu bắc qua con kênh. Đoàn được một người dân cho mượn nhà để quay. Khi tổ đạo cụ bắt tay thiết kế bối cảnh, gia đình hoảng sợ lo nhà bị tháo dỡ. Lúc này, Cảnh Đôn phải đứng ra giải thích, hứa trả nhà về nguyên trạng.
Mưa bụi 1 - nhạc phẩm khác gây chú ý của Đình Văn, phát hành năm 1994 - được quay ở Đà Lạt và Nha Trang trong ba ngày. Ca sĩ nhớ hôm đó mặc sơ mi màu vàng, dầm mưa suốt nhiều giờ, người run cầm cập vì lạnh. Thỉnh thoảng Đình Văn nhắc lại kỷ niệm với Cảnh Đôn: "May mà hôm đó em không bị ốm. Giờ chỉ cần nhìn đồ vật nào có sắc vàng, em nhớ ngay đến MV".
Ca sĩ Thùy Trang nhớ như in MV Em đi trên cỏ non - sản phẩm ghi dấu ấn lớn trong sự nghiệp, do Cảnh Đôn đạo diễn. Video được quay trong hai ngày ở huyện Hóc Môn và sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), nói về người con xa quê, nay được trở về nơi chôn rau cắt rốn. Chị kể hôm đi quay, êkíp dặn nên mang theo nhiều quần áo đẹp để thay. Ra đến phim trường, Cảnh Đôn nói chị chỉ cần mặc một bộ, lại không phải trong số đồ mang theo. Êkíp phải chạy đi chuẩn bị cho Thùy Trang một trang phục đúng ý đạo diễn.
Ở MV Sa mưa giông, Cảnh Đôn không sử dụng một cảnh cận nào của Thùy Trang, chỉ dùng góc máy toàn cảnh về Đà Nẵng. Khi chị đem thắc mắc hỏi, Cảnh Đôn giải thích sản phẩm được thực hiện với ý tưởng tôn cảnh đẹp đất nước trên chất giọng của ca sĩ. Về sau, Thùy Trang xem đi xem lại mới phục tư duy làm nghề của đạo diễn. Chị nói: "Không chỉ có hai MV này, đến giờ khán giả vẫn nhớ đến tôi qua các MV khác như Bông bí vàng, Trên dòng sông nhỏ, Về quê ngoại... Cảm ơn đạo diễn đã cho tôi nhiều sản phẩm âm nhạc để đời".
Nhiều ca sĩ ấn tượng Cảnh Đôn khó tính trong công việc, chan hòa ở đời thường. Thùy Trang giải thích cái khó của anh xuất phát từ sự cầu toàn để sản phẩm tốt hơn. Chị nói: "Ba năm làm việc chung tôi biết tình cảm anh dành cho các nghệ sĩ. Anh rất dễ thương, hòa đồng với các em. Sau này không có cơ hội hợp tác trở lại nhưng tôi luôn tôn trọng, mến mộ anh".
Cẩm Ly làm việc cùng Cảnh Đôn từ ngày gắn bó với Trung tâm Kim Lợi, từng ra mắt các sản phẩm Hoài công, Gió bấc, Điệp khúc mùa xuân, Liên khúc Lynda Mylan... Với nhiều người anh khó tính nhưng riêng chị lại thấy anh dễ gần. Cẩm Ly nhớ nhất giọng cười, bộ ria mép đặc trưng của đạo diễn. Chị thích ở anh cách xây dựng MV luôn có mạch chuyện, xem dễ hiểu, nhiều cảm xúc. Ca sĩ nói: "Với tôi anh là 'cây đa, cây đề' trong nghề. Ngay cả chồng tôi - nhạc sĩ Minh Vy - cũng xem anh là người thầy, học hỏi nhiều thứ".
Phương Thanh và Minh Thuận có MV Telephone được Cảnh Đôn dàn dựng, ra mắt cách đây hơn 20 năm. Sản phẩm được quay với màu sắc trẻ trung ở Đà Lạt trong hai ngày, đạo diễn Cảnh Đôn lo liệu mọi thứ. Về sau, Phương Thanh làm việc với Cảnh Đôn trong các phim Kính thưa osin, Về quê... Chị nói: "Trong mắt tôi anh là người trí tuệ, hài hước, thương em út. Ngày xưa anh nóng tính nhưng những năm gần đây có chọc kiểu gì cũng không thể khiến anh bực tức".
Không thuộc series Mưa bụi nhưng các sản phẩm gây tiếng vang của Đan Trường như Hôn môi xa, Tình quay gót, Đi về nơi xa, Kiếp ve sầu, Cuộc tình trong cơn mưa, Giấc mơ mùa đông, Mẹ tôi, Còn lại một mình, Hát cho mùa yêu xưa, Lời ru ngàn đời... đều do Cảnh Đôn đạo diễn. Đan Trường nói: "Tôi thích làm việc với anh bởi sự chuyên nghiệp, không bao giờ hời hợt, trước khi quay đều có đường dây kịch bản rất chặt chẽ. Anh ấy còn có thế mạnh về các ý tưởng MV mang tính lịch sử hay sử thi...".
Anh dự định mời Cảnh Đôn dự đêm nhạc kỷ niệm 25 năm ca hát sắp tới để tri ân, giờ đã không còn cơ hội. Ca sĩ nói: "Nhớ lắm những ngày mấy anh em rong ruổi trên đường phố Paris, Berlin để quay MV. Hãy yên nghỉ anh nhé, để sớm về với cõi Phật".
Trần Cảnh Đôn sinh năm 1959, là một trong những đạo diễn gạo cội của làng phim ảnh phía Nam. Anh nổi tiếng với tác phẩm đầu tay Ngọc trong đá (1991). Đạo diễn tiếp tục ghi dấu ấn với khán giả qua các phim như: Đoạn cuối ở Bangkok, Cô thủ môn tội nghiệp, Khi người ta trẻ, Vòng vây tội lỗi, Dollar trắng...
Anh từng đoạt giải B phim Truyện video Hội Điện ảnh Việt Nam 1999 - phim Tội phạm, giải bạc phim Truyền hình toàn quốc với phim Tội lỗi cuối cùng, giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam - phim Cô thủ môn tội nghiệp...
Tân Cao