- Điều gì hấp dẫn có thể khiến anh trở về Đà Nẵng tham dự sự kiện "Gặp gỡ mùa thu" và giảng dạy cho các nhà làm phim trẻ?
- Qua lời mời của Phan Đăng Di. Khi cậu ấy ngỏ lời mời về Việt Nam để truyền cho các bạn trẻ cảm hứng làm phim thì tôi đồng ý luôn vì đây là niềm vui của tôi. Tôi luôn mong góp sức mình cho điện ảnh Việt Nam. Hơn nữa, khi gặp những người yêu phim trẻ trung như vậy thì họ cũng mang lại cho mình cảm hứng rất lớn. Họ có chất tươi mới, sự tự do về cách làm phim cũng như nhiều câu hỏi và đang đi tìm câu trả lời. Đó là điều mà tôi rất thích.
- Tiếp xúc với sáu nhóm nhà làm phim trẻ đại diện cho thế hệ điện ảnh tương lai của Việt Nam, anh nhận thấy tư duy của họ ra sao?
- Sáu nhóm bạn trẻ mà tôi được trực tiếp trao đổi đều rất tốt, rất hay. Tất nhiên trong cách họ tư duy vẫn có những cái mình nghĩ nên bỏ đi vì không có chất điện ảnh. Có những thứ có thể gọi là cái bẫy mà họ tự thả chính mình vào đó. Điều này giống như việc nghĩ ra gì thì đưa vào nấy, minh họa cho ý tưởng chứ không đào sâu tới tận cùng. Nếu tôi đã chỉ ra được thì đó là điều rất tốt cho họ. Các bạn trẻ ấy sẽ không mất nhiều thời gian băn khoăn và suy nghĩ nhiều nữa.
- Theo anh, để đi được các liên hoan phim quốc tế lớn thì thế hệ này cần phải có hành trang gì?
- Để các tác phẩm có thể tới được liên hoan phim quốc tế lớn thì nhà làm phim phải tìm ra ngôn ngữ điện ảnh riêng, phải tìm ra những cảm xúc ít gặp mà người khác xem phải cảm thấy mới mẻ. Tôi cũng khuyến khích các bạn trẻ nên đi thật nhiều liên hoan phim để có thêm kinh nghiệm, cảm hứng. Với các nhà làm phim độc lập thì con đường duy nhất là các liên hoan phim. Năm vừa qua có cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu và Pháp cũng chịu ảnh hưởng rất mạnh. Chính vì vậy, nhiều đạo diễn có phong cách hơi khác lạ bắt buộc phải tìm được đường đưa các dự án của mình tới những liên hoan phim vì đó là cách họ tự cứu mình, tự cứu đứa con tinh thần của mình. Và để làm được điều đó thì cần phải có những ý tưởng, bộ phim hay.
- Anh nghĩ sao về một liên hoan phim quốc tế mang tên thành phố biển Đà Nẵng giống như Cannes, Venice hay Busan?
- Sẽ rất tuyệt vời vì theo tôi đây là nơi tốt nhất để tổ chức một liên hoan phim quốc tế. Đà Nẵng có khả năng là thành phố đẹp nhất của Việt Nam vì nơi đây chưa có tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông. Nó lại có một con sông rất đẹp, không lớn và rộng lắm như sông Hồng nên có thể tạo nên những cây cầu rất đẹp. Hơn thế nữa, nơi đây còn có rất nhiều resort ở ven biển để chúng ta có thể tổ chức các hoạt động cho một liên hoan phim quốc tế.
- Nhưng Đà Nẵng nằm ở miền Trung và cũng là nơi hàng năm phải hứng chịu nhiều cơn bão. Anh nghĩ điều kiện thời tiết sẽ ảnh hưởng thế nào tới việc tổ chức liên hoan phim?
- Nếu có bão thì mình vẫn phải tìm cách khắc phục thôi. Chẳng hạn có lần tôi đi dự Liên hoan phim Venice thì ở đó cũng bị một trận bão khá lớn nhưng không thành vấn đề gì. Vẫn luôn có cách giải quyết vì rất nhiều liên hoan phim lớn đều tổ chức ở các thành phố ven biển.
- Cảm xúc của anh thế nào khi trở về thành phố mà mình sinh ra và lớn lên?
- Tôi cảm thấy rất vui khi trở lại và còn được tham gia một hoạt động ý nghĩa là truyền cảm hứng làm phim tới các bạn trẻ. Tôi cũng chợt nảy ra ý định là sẽ đưa gia đình về sống ở Đà Nẵng một thời gian. Nếu trở về, tôi chọn Đà Nẵng chứ không phải Hà Nội.
- Vậy anh nghĩ sao về việc thực hiện một bộ phim với bối cảnh ở Đà Nẵng?
- Nếu có cơ hội thì nhất định tôi sẽ làm. Đà Nẵng là một dạng thành phố mà tôi chưa từng khai thác trong các bộ phim của mình. Đây là một thành phố ven biển có những nét rất riêng và thực sự khiến tôi muốn khám phá.
- Anh có thể chia sẻ về dự án phim mới nhất của mình?
- Tôi đã hoàn thành kịch bản cho bộ phim mới là Eternité, kể về chuyện sinh đẻ vào thế kỷ 18. Tuy nhiên, tôi vẫn đang chờ xin được kinh phí sản xuất vì để làm được bộ phim này sẽ cần một số tiền rất lớn. Bên cạnh đó, tôi cũng theo đuổi cuốn sách Heat của nhà văn Bill Buford và muốn đưa nó lên màn ảnh rộng.
- Khoảng thời gian sau “Rừng Nauy” và trong lúc bộ phim mới đang chờ xin kinh phí thì anh thường làm gì khi rảnh rỗi?
- Tôi chỉ đơn giản là… chờ làm phim thôi (Cười).
Nguyên Minh thực hiện