Chiều 1/10, việc tổ chức cho hoạt động trở lại tại các trạm thu phí trên địa bàn TP HCM được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm thông báo đến các nhà đầu tư dự án, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 18.
Hiện, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà đầu tư phối hợp các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn giao thông, trật tự tại khu vực trạm thu phí, đồng thời thông tin cho doanh nghiệp, lái xe về việc các trạm hoạt động trở lại. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần phối hợp Sở Giao thông Vận tải lập biên bản ghi nhận việc thu phí khi bắt đầu triển khai trở lại. Việc này nhằm phục vụ cho thống kê, tính toán chính xác phương án thời gian thu phí sau này.
Trước đó khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, toàn bộ trạm thu phí trên địa bàn dừng hoạt động từ ngày 20/7. Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án lập biên bản, ghi nhận, lưu trữ và giám sát việc dừng thu phí tại các trạm để tính toán lại thời gian thu, bù đắp cho doanh nghiệp khi tạm dừng.
Trong số các dự án nói trên, trạm BOT xa lộ Hà Nội mới thu phí hồi đầu tháng 4/2021, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM. Trạm này thu phí để hoàn vốn cho công trình mở rộng tuyến đường này và đoạn quốc lộ 1 từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (Bình Dương). Các dự án còn lại đã thu phí từ nhiều năm nay. Trong đó BOT cầu Phú Mỹ và An Sương - An Lạc đã thu phí từ 11-16 năm.
Riêng đường Nguyễn Văn Linh gồm 3 trạm thu phí, hoạt động từ năm 1998 do Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng là nhà đầu tư. Đây là trạm thu phí đặc thù trên địa bàn TP HCM, không phải trạm BOT. Việc thu phí ở tuyến đường này dự kiến đến năm 2028.
Hôm qua, sau hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cấp độ, UBND TP HCM công bố chỉ thị mới về điều chỉnh biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, áp dụng từ sau ngày 30/9. Thành phố cho hoạt động trở lại nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, công trình xây dựng, sản xuất...
Gia Minh