Làng trồng khóm nằm bên dòng sông Cái Lớn, thuộc xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, bên kia sông là xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, Kiên Giang. Toàn Hậu Giang có khoảng 2.800 ha trồng khóm, riêng xã Hoả Tiến chiếm tới 1.400 ha.
Đang chăm sóc hai ha khóm của gia đình, anh Trang Anh Tuấn (33 tuổi) cho hay để trồng được loại cây này, nông dân ươm giống trước 2-3 tháng. Cây con cao bằng gang tay có thể mang đi trồng. "Mỗi công đất trồng khoảng 2.000 cây giống. Cây trưởng thành cao trên dưới một mét", anh Tuấn nói và cho biết từ lúc trồng đến 5-6 tháng sẽ bắt đầu cho 1.700-1.800 trái mỗi công (1.000 m2).
Khóm trái khi thu hoạch phân làm ba loại dựa vào trọng lượng, thương lái đến tận nơi mua mang đi tiêu thụ. Trong đó loại một phải đạt từ 1,2 kg mỗi trái trở lên, bán được giá nhất. Cây khóm trồng gối vụ nên cho trái quanh năm, giá bán tương đối ổn định. Lúc cao nhất, giá khóm đạt 10.000-11.000 đồng mỗi trái.
Người dân làng khóm kể rằng, cha ông của họ đưa cây khóm về trồng ở đây gần trăm năm qua. Tên gọi khóm Cầu Đúc bắt nguồn từ ngày xưa, người dân vận chuyển khóm ở ruộng ra cầu đúc bằng xi măng bắc qua sông Cái Lớn (cầu Cái Tư hiện tại) để bán, rồi từ đó tên khóm cầu Đúc ra đời.
Khóm Cầu Đúc cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, vị ngọt thanh, giòn. Từ trái khóm dùng tươi, người dân chế biến ra nhiều sản phẩm như: nước màu, rượu, mứt, nước ép... Ngoài phân phối đi các tỉnh, phần lớn khóm Cầu Đúc cung cấp cho những nhà máy chế biến nước trái cây ở Hậu Giang và Cần Thơ.
Theo ông Vu Suổi (50 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Thắng) ở xã Hỏa Tiến, hiện hợp tác xã có 39 thành viên với tổng diện tích khóm trên 110 ha, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đang nâng cấp lên tiêu chuẩn tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là đơn vị đạt danh hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang, đầu ra ổn định.
Năm nay giá phân bón quá cao nên lợi nhuận của nông dân giảm. Mỗi công khóm bón hết ba bao phân NPK với chi phí 4,5 triệu đồng trong khi giá khóm cũng chưa thực sự tốt nhất, hiện vào khoảng 7.000 đồng mỗi trái loại một. Tuy vậy với giá này, người trồng vẫn lời khoảng 50%.
Ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, nói địa phương là vùng đất nhiễm phèn quanh năm, chỉ có cây khóm mới phát triển tốt trên loại đất này. Nhiều năm qua, cây khóm là mũi nhọn kinh tế của xã, hơn 80% diện tích đất nông nghiệp của địa phương ưu tiên trồng loại cây này.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, cho biết, khóm Cầu Đúc là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh. Bước đầu, tỉnh định hướng phát triển diện tích của khóm cầu Đúc lên 3.500 ha.
"Đầu ra của trái khóm được hướng tới là nhà máy nước ép khóm của tỉnh ở các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp", ông Tuyên nói và cho biết đây cũng là hướng đi để xuất khẩu sản phẩm của trái khóm ra nước ngoài.
Nguyên Anh