Theo sử sách, cây cà phê được đưa vào Việt Nam từ năm 1857 nhưng đến năm 1888 mới được nhập để trồng chính thức. Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp mở rộng thành các đồn điền cà phê, bắt đầu ở vùng Phủ Quỳ (Nghệ An), Quảng Bình, Quảng Trị, sau đó mới đến vùng Buôn Ma Thuột, Lâm Đồng, Pleiku…
Sự dịch chuyển của cây cà phê theo hướng “Nam tiến” là trải nghiệm của những người Pháp muốn tìm mảnh đất phù hợp cho loại cây này. Cuối cùng, Tây Nguyên là địa bàn dừng chân cuối cùng của cây cà phê cho đến tận ngày hôm nay.
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, sở dĩ có sự dịch chuyển về mặt địa lý vì giống cà phê đầu tiên được người Pháp đưa vào Việt Nam là Arabica (tên Việt là cà phê sẻ) có giá trị về chất lượng, chịu được hạn (kỹ thuật trồng ngày xưa là không tưới nước)..., nhưng khi trồng ở vùng trung du, dòng cà phê Arabica cho năng suất thấp, nhiễm bệnh gỉ sắt dẫn đến chết hàng loạt. Từ đó, cây cà phê mới được dời lên Tây Nguyên theo lộ trình khai thác thuộc địa.
Song chẳng được bao lâu, cây cà phê Arabica ở Tây Nguyên cũng bị nhiễm bệnh. Các chủ đồn điền người Pháp từ từ thay thế Arabica bằng các dòng cà phê chịu hạn, kháng bệnh tốt hơn, như Rosbuta và Cherry (quen gọi là cà phê mít).
Theo tài liệu mà ông Võ Viết Khương, cán bộ huyện Krông Păk (Dăk Lăk) có được, Cada (Compagnie Argicole D’Asie – Công ty Nông nghiệp Á châu) là đồn điền cà phê đầu tiên trên vùng Tây Nguyên. Đồn điền này chạy dọc theo Quốc lộ 26 (từ Buôn Ma Thuột đi Nha Trang), từ Km18 đến Km47 với diện tích là 2.000 hécta, trong đó hơn 1.000 hécta trồng cà phê, còn lại trồng trà và xây dựng nhà ở, xưởng sơ chế cà phê...
Từ mô hình Cada, những đồn điền cà phê ngày càng phát triển mạnh ở Dăk Lăk, sang Lâm Đồng, rồi đến Pleiku. Ông Ngô Tấn Giác, một “lão làng” về cà phê cho biết, những năm đầu thế kỷ 20, ở Pleiku cũng có một đồn điền cà phê lớn ở vùng Bàu Cạn nhưng sau đó nhường cho cây trà phát triển. Sau này, khoảng năm 1955, khi xây dựng các khu dinh điền ở Pleiku, chính quyền Ngô Đình Diệm có trồng cà phê mít, chịu hạn tốt, năng suất cao nhưng vì có vị chua nên người tiêu dùng trong nước không chuộng. Sau 1975, giống cà phê này coi như tuyệt chủng vì không hợp “gu”, chiếm nhiều đất.
Theo những tư liệu còn lưu, năm 1961, Việt Nam có khoảng 21.200 hécta càphê, chủ yếu là cà phê Robusta. Diện tích cà phê tăng đột biến bắt đầu từ năm 1990 khi giá cà phê bất ngờ tăng mạnh, đỉnh điểm “20 kg cà phê sắm được một chỉ vàng”. Nếu năm 1995, Việt Nam chỉ có 110.000 hécta, nhưng trong vòng 5 năm, năm 2000, diện tích cà phê đã tăng lên 490.000 hécta.
Số liệu của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, năm 2013, diện tích cà phê Việt Nam khoảng 600.000 hécta với năng suất dự đoán khoảng 2,32 tấn nhân trên mỗi hécta. Robusta vẫn là giống cà phê chủ lực khi chiêm 560.000 hécta, còn Arabica ước chừng 40.000 hécta được trồng ở Lâm Đồng, Dăk Nông...
Khi năng suất và sản lượng tăng mạnh, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ nhì về sản lượng, sau Brazil, nhưng dẫn đầu thế giới về năng suất 2,3 tấn nhân mỗi hécta trong khi chỉ số trung bình của thế giới là 0,7 tấn.
Tuy nhiên, cuộc sống của nông dân trồng cà phê hiện nay vẫn chưa "mở mày mở mặt". Trước năm 2000, không thể phủ nhận vai trò của cây cà phê trong việc đổi đời số phận nông dân, nhưng sau này, người trồng cà phê lại trở về với thân phận lam lũ của mình.
Tiến sĩ Báu chia sẻ: “Cây cà phê là cây công nghiệp có giá trị cao nhưng người trồng cà phê, từ Brazil, Indonesia cho đến Việt Nam đều nghèo như nhau. Chỉ có tham gia vào thương mại hoặc chuỗi giá trị mới có cơ hội giàu”. Cũng cần nhắc lại, những năm 1998 - 2002, nhiều thành phần kinh doanh cà phê đã thua lỗ nặng vì thiếu thông tin.
Một trong những nguyên nhân chính là diện tích canh tác mỗi hộ quá ít. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dăk Lăk tiết lộ: “160.000 hécta cà phê của Dăk Lăk là tài sản của 200.000 hộ nông dân. Bình quân, mỗi hộ chỉ có 0,8 hécta”. Ông Sinh thẳng thắn: “Với diện tích ít ỏi như vậy, 69% hộ nông dân trồng cà phê ở Dăk Lăk vẫn nghèo, vẫn lam lũ”.
Nhiều hộ trồng cà phê xác nhận, để sống được họ phải làm theo nhiều nghề khác, trồng thêm nhiều loại cây khác, như tiêu, bơ (ăn trái), sầu riêng... để kiếm thêm tiền chi tiêu từng ngày. Ông Hoàng Phước Bính (Chư Sê, Gia Lai) đã nhiều năm gắn bó với cây cà phê cho rằng, để một hộ (4 người) sống được với cây cà phê, họ phải có ít nhất là 2 hécta đất. Theo cách tính của ông Bính, 1 hécta cà phê cho 4 tấn nhân (năng suất cao), giá hiện nay là 37.500 đồng một kg, sau khi trừ chi phí (80 – 100 triệu đồng), còn lãi 40 triệu đồng.
“Trên diện tích đó, 1,5 hécta trồng càphê, 5 sào còn lại trồng tiêu hoặc những cây ngắn ngày khác thì cuộc sống mới thoát nghèo. Giá cả và năng suất càphê vài năm trở lại đây đã ổn định nhưng nếu ít đất thì mãi mãi sẽ khổ”, ông Bính nói.
Trên những vùng cà phê dọc theo Quốc lộ 14, từ Bình Phước qua Gia Lai, không ít hộ dân đã trở thành những kẻ làm thuê “chuyên nghiệp” trên chính mảnh đất của mình. Vì diện tích trồng cà phê ít, vốn ít đã đẩy cuộc sống của họ đã khó giờ càng khó hơn. Giải pháp cuối cùng là bán đất, chấp nhận làm thuê cho hàng xóm hoặc chọn con đường tha hương.
Theo SGTT