Nhưng Minh buồn và lo, không phải về vấn đề tài chính. Anh không biết làm gì để lấp đầy thời gian và tìm lại mục đích sống. Minh sợ mình sẽ quay lại với thuốc lá và rượu bia.
Tình trạng thất nghiệp đang gia tăng ở nhiều quốc gia. Ở New Zealand nơi tôi và Minh sinh sống, suy thoái kinh tế diễn ra nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, doanh nghiệp đóng cửa và nhiều người phải tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài. Tại Việt Nam, các thống kê chính thức cho thấy, thị trường lao động đang cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ so với năm trước. Nhưng vẫn có những chỉ dấu về một thực tế khác: doanh nghiệp tư tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự; khối nhà nước tinh gọn bộ máy, giảm biên chế với khoảng 100.000 công chức - viên chức mất việc...
Mất việc (một sự kiện cụ thể) có thể khác với thất nghiệp (trạng thái liên tục không có việc làm), dù mất việc chắc chắn sẽ dẫn đến một khoảng thời gian thất nghiệp đi kèm trạng thái thất thểu, thất thần... như những gì mà Minh - bạn tôi - đang trải qua. Đặc điểm chung của mất việc và thất nghiệp là đều gây ra tác động lớn đến sức khỏe tinh thần do các yếu tố như căng thẳng do mất thu nhập, giảm tương tác xã hội và mất đi các hoạt động ý nghĩa gắn liền với công việc.
Ước tính khoảng 15-25% dân số có nguy cơ mắc trầm cảm trong suốt cuộc đời. Hội chứng này có tỷ lệ cao ở những người trải qua ly thân, ly dị hoặc thất nghiệp. Tại New Zealand, tỷ lệ trầm cảm trong nhóm thất nghiệp cao gấp ba lần nhóm người có việc làm ổn định. Ở Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Y tế năm 2022, hơn 40% người thất nghiệp gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo âu, căng thẳng và mất ngủ.
Một nghiên cứu ở Australia gần đây đi sâu vào tìm hiểu sức khỏe tinh thần và chiến lược chống chọi của người thất nghiệp qua bốn chủ đề chính: cuộc sống trước và sau khi thất nghiệp; áp lực xã hội; nỗ lực đối phó và những cản trở; thay đổi trong thế giới quan. Kết quả cho thấy, họ không chỉ đối mặt với khó khăn tài chính mà còn với sự kỳ vọng và phán xét, điều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng cô lập và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Trong xã hội hiện đại, giá trị của một người thường gắn liền với khả năng đóng góp kinh tế. Khi thất nghiệp, nhiều người cũng cảm thấy thất thế, bản thân trở nên "vô hình". Định kiến này khiến họ xấu hổ, ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ, thậm chí thu mình lại, càng làm tăng cảm giác cô lập. Thất nghiệp kéo dài, người ta dễ rơi vào vòng luẩn quẩn: cảm giác thất bại - giảm động lực tìm việc - sức khỏe tinh thần suy giảm - càng khó thoát khỏi thất nghiệp.
Một trong những phát hiện quan trọng của nghiên cứu là vai trò của kết nối xã hội trong việc giúp người thất nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Những người nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, đặc biệt là những người có chung hoàn cảnh thường cảm thấy ít cô đơn và có động lực hơn để tiếp tục cố gắng.
Cách đây vài tháng, tôi có cơ hội giảng dạy cho những người thất nghiệp ở Australia. Để nhận trợ cấp, những người này phải tham gia các lớp học tiếng Anh, kỹ năng vi tính và kỹ năng chuyển đổi nghề. Những lớp học này không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản để chuyển đổi công việc. Quan trọng hơn, chúng giúp người thất nghiệp kết nối với những người cùng hoàn cảnh, giảm bớt cảm giác cô độc.
Thất nghiệp không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là một thách thức cho cộng đồng. Vì vậy, thay đổi quan niệm xã hội về thất nghiệp là cần thiết - thay vì coi đó là thất bại hay khiếm khuyết của cá nhân, hãy nhìn nhận nó như một phần tự nhiên của cuộc sống và tạo điều kiện để những người trong hoàn cảnh này duy trì kết nối.
Ở thành phố tôi sống thường có các lớp học hay hội thảo được Work and Income, một tổ chức của chính phủ, xây dựng nhằm hỗ trợ người thất nghiệp thông qua nhiều chương trình và nguồn lực. Các chương trình "Hoạt động cộng đồng" giúp họ hòa nhập xã hội, nâng cao lòng tự trọng và động lực làm việc. Ngoài ra, còn có lớp học dành cho thân nhân của những người đang mất việc, cung cấp tư vấn về cách giao tiếp hiệu quả và tôn trọng người thân trong giai đoạn khó khăn.
Việt Nam cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người thất nghiệp, như: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn... Nhưng một phương diện khác cần được chú ý hơn là các mô hình tương tác, tăng cường kết nối xã hội, giúp giảm nhẹ định kiến. Những chương trình này cung cấp kỹ năng chống chọi cần thiết, giúp họ không những có thể tái gia nhập thị trường lao động, mà còn chăm lo sức khỏe tinh thần của mình một cách hiệu quả hơn.
Với mỗi cá nhân, mất việc là một thử thách lớn, nhưng không phải là điểm kết thúc. Việc tham gia các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần, học hỏi kỹ năng mới và duy trì kết nối với cộng đồng có thể giúp bạn giữ được sự lạc quan. Thay đổi tích cực không đến ngay lập tức, nhưng chúng bắt đầu từ những quyết định nhỏ mỗi ngày.
Bên cạnh nỗ lực cá nhân là vai trò của xã hội. Một cộng đồng hỗ trợ và tôn trọng sẽ tạo ra không gian an toàn để người thất nghiệp không cảm thấy bị kỳ thị, từ đó tự tin hơn khi vượt qua thử thách. Sự chấp nhận và thấu hiểu từ xã hội giúp họ nhận ra thất nghiệp không phải là một thất bại mà chỉ là một giai đoạn trong hành trình điều chỉnh cá nhân, để có thêm cơ hội học hỏi, phát triển và trở lại kiên cường hơn.
Phạm Hòa Hiệp