Bệnh án ghi Linh là con gái thứ hai trong gia đình có 3 người con. Em hiện sống cùng bố mẹ, chị gái và em trai, kinh tế gia đình bình thường, không có mâu thuẫn.
Người nhà cho biết Linh là học sinh khá giỏi trong nhiều năm, luôn biểu hiện bình thường. Song một năm trở lại đây, em buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, giảm khả năng học tập và không còn hứng khởi với các sở thích, ước mơ thi vào trường y như trước.
Một tháng trước khi nhập viện, Linh luôn có ảo giác nghe thấy tiếng nói của bố mẹ nên buồn chán nhiều hơn. Em dần không tập trung, ít giao tiếp, ngủ kém hơn, khó vào giấc, ăn không ngon. Không biết từ lúc nào, Linh cho rằng mình không đáng sống, uống thuốc ngủ tự sát.
Gia đình phát hiện em bất thường, đưa tới Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai điều trị ngày 2/1. Bác sĩ điều trị cho em, đồng thời theo dõi sát sao về ý định và hành vi trong gần 10 ngày, Linh mới mở lòng.
Linh kể với bác sĩ rằng em bị bạo lực học đường khi còn học tiểu học, tới năm lớp 8 thì bị anh họ xâm hại tình dục hai lần. Song, em không dám nói với bố mẹ vì sợ gia đình thất vọng. Em ra sức học tập để đạt thành tích tốt, mong muốn khiến bố mẹ và thầy cô hài lòng. Cho tới khi tinh thần mệt mỏi, không thể chịu đựng áp lực, Linh quyết định uống thuốc tự tử.
Ngày 14/1, người nhà cho biết Linh đã tỉnh táo hơn, mở lòng, hòa đồng với bố mẹ. Em hiện có thể ăn, ngủ nhiều hơn, chịu tâm sự các khúc mắc của bản thân với mẹ và bác sĩ. Bản thân bệnh nhân cho biết vẫn còn tiếng vọng trong đầu khi ngủ và mơ thấy ác mộng, có cảm giác thù hận những người khác.
Bác sĩ điều trị cho biết Linh gặp các sang chấn tâm lý lớn, mắc hội chứng trầm cảm có ý tưởng tự sát. Em sẽ phải điều trị trong thời gian dài mới có thể bình phục.
Đây là một trong số gần 10 bệnh nhân vị thành niên trầm cảm nhập Viện sức khỏe tâm thần điều trị trong nửa đầu tháng 1/2021.
Theo tiến sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan stress, các em nhập viện khi bệnh trầm cảm đã nặng. Có nhiều trường hợp rất đáng tiếc vì bác sĩ đã khám, khuyên điều trị nhưng gia đình không thừa nhận con có bệnh hoặc có quan niệm rằng uống thuốc tây thì độc hại, chỉ chữa bằng Đông y. Sau đó, bệnh nhân tự sát thực sự.
Theo bác sĩ Tâm, xã hội càng phát triển, bệnh trầm cảm ở độ tuổi vị thành niên càng tăng. Có tới 39% số người tới khám tâm thần trong năm 2020 tại Viện sức khỏe tâm thần tuổi 14-19. Trong đó, nhóm học sinh cuối cấp hai và cuối cấp ba chiếm đa số, thường là học sinh ngoan, có học lực khá, giỏi.
Tình trạng này xuất hiện vì các em thường không tâm sự với gia đình, bố mẹ khi bị bệnh; đôi khi bố mẹ không nhận ra hoặc không thừa nhận con cái đang có vấn đề tâm thần. Vì vậy, bệnh nhân thường đến viện muộn, chậm trễ.
Nguyên nhân gây trầm cảm ở độ tuổi thiếu niên sâu xa hơn xuất phát từ mâu thuẫn giữa bản thân trẻ và quan niệm về "con ngoan, trò giỏi" trong xã hội, theo nghiên cứu của bác sĩ Tâm và đồng nghiệp trong năm 2020.
Nhiều bệnh nhân đinh ninh rằng trẻ ngoan phải nghe lời bố mẹ, thầy cô, tuân thủ yêu cầu của bố mẹ và thầy cô đặt ra. Nhưng khi đó, các em không hài lòng, cho rằng đã đánh mất cái tôi, không thể hiện được bản thân. Khi có các sở thích, mối quan tâm, mong muốn cá nhân, nhiều em không dám thể hiện, từ đó nảy sinh các xung đột nội tâm.
Vấn đề thứ hai gây trầm cảm là thành tích học tập. "Các em bộc bạch về nỗi lo sợ học nhiều, đáp ứng mong mỏi của mọi người song kết quả đạt được không thỏa mãn thầy cô và gia đình. Từ đó, áp lực vô hình, stress hình thành, khiến trẻ trầm cảm nhiều hơn. Càng học giỏi, áp lực thành tích học càng nhiều", bác sĩ Tâm nói.
Tuổi vị thành niên là khi cơ thể dậy thì, nội tiết và sinh lý khiến trẻ có tình cảm với bạn xung quanh. Hiện tượng sinh lý bình thường này bị nhiều gia đình cho là "thái độ độ không ngoan", "không tập trung học tập". Từ đó, trẻ phải đè nén, không dám bộc lộ bản thân, áp lực, mâu thuẫn nội tâm dẫn tới trầm cảm.
"Đây là nguyên nhân chính khiến trầm cảm thường xảy ra ở nhóm trẻ ngoan, học giỏi, ở giai đoạn chuyển cấp. Bản thân áp lực học tập không gây trầm cảm", bác sĩ Tâm nói.
Cũng theo bác sĩ Tâm, hậu quả của trầm cảm ở trẻ vị thành niên không chỉ gây hậu quả cấp tính, nó còn làm giảm nhận thức và mức độ tự tin của trẻ. Khi không thoải mái, nhân cách phát triển không toàn vẹn, để lại hậu quả khi trưởng thành, kéo dài cả cuộc đời và không thể chữa trị.
Vì vậy, bác sĩ khuyên gia đình cần quan tâm hơn tới con cái trong gia đình bằng cách chia sẻ, thấu hiểu, tâm sự. Không nên áp đặt trẻ, vẽ ra các hình tượng hoàn hảo mà không phù hợp mong muốn, nhu cầu của trẻ.
Người lớn không nên cho rằng trẻ nhỏ không có áp lực hoặc áp lực không đáng quan tâm. Theo ông, cần nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh công bằng để hiểu trẻ vị thành niên hơn.
"Bố mẹ thường lên các kế hoạch to tát và chỉn chu cho con để trẻ tuân theo. Tuy nhiên, điều cần nhất là lắng nghe, thấu hiểu, điều chỉnh sao cho đứa trẻ hạnh phúc, thoải mái. Như vậy mới phòng được trầm cảm cho trẻ", bác sĩ cho biết. Từ đó, trẻ không bị ảnh hưởng chất lượng tập, chất lượng sống, không bị ảnh hưởng trong phát triển nhân cách của trẻ sau này.
*Tên bệnh nhân được thay đổi.
Chi Lê