Năm 2015, trò chơi Blue Whale Challende (Thử thách cá voi xanh) trên Youtube đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm thanh thiếu niên trên toàn thế giới do có nội dung xúi giục tự sát. Năm 2018, video về nhân vật kinh dị Momo hướng dẫn các em nhỏ cách tự làm hại bản thân. Giữa tháng 10, tại Việt Nam, một bé gái 5 tuổi đã mất mạng, nguyên nhân được cho là học theo video hướng dẫn "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên Youtube.
Theo các chuyên gia y tế, các video nhảm, độc hại trên Youtube hoặc các phương tiện truyền thông xã hội có thể ảnh hưởng xấu đến não bộ đang trong thời kỳ phát triển.
Donna Volpitta, tiến sĩ giáo dục, người sáng lập Trung tâm đào tạo nhà lãnh đạo Resilient Leadership, nhận định: "Những trẻ thường xuyên trải qua cảm giác căng thẳng, âu lo hoặc sợ hãi, sẽ có vỏ não trước trán và thùy trán kém phát triển. Đây là các thành phần chịu trách nhiệm điều khiển hành vi như lập kế hoạch hoặc đưa ra các lựa chọn chủ động".
Một lượng video nội dung độc hại từng lọt vào Youtube Kids, nền tảng được Google tung ra vào năm 2015, vốn chỉ chứa nội dung thân thiện với trẻ em. Lượng video này không lớn, song chúng là minh chứng rõ ràng về mặt tiêu cực mà nền tảng kỹ thuật số gây ra với sức khỏe tâm thần của trẻ nhỏ.
Google đã rất nhiều lần xin lỗi về lỗ hổng trong thuật toán. Tuy nhiên, với khoảng 400 giờ video được tải lên trong mỗi phút, việc kiểm duyệt nội dung nhảm và độc hại trở nên ngày một khó khăn. Kể từ khi Youtube được thành lập năm 2005, sự phổ biến của nó đối với trẻ em đã tăng nhanh.
Giờ đây, các chuyên gia về sức khỏe tâm lý cảnh báo nền tảng này có thể là tác nhân gián tiếp hoặc trực tiếp, dẫn đến các hành vi bạo lực hoặc tình dục không phù hợp ở trẻ dưới 13 tuổi.
Theo tiến sĩ Volpitta, việc xem các video kinh dị khiến não bộ tiết ra một lượng nhỏ dopamine (hormone hạnh phúc). Loại chất này gây ra cảm giác thích thú, hưng phấn, thúc đẩy người dùng lặp đi lặp lại hành động.
Natasha Daniels, chuyên gia trị liệu tâm lý trẻ em ở Chandler, Arizona, đồng tình với quan điểm này. Cô cho biết trong 5 năm qua, số trường hợp trẻ mắc chứng rối loạn âu lo do xem quá nhiều video trên Youtube gia tăng đáng kể, hầu hết đều có biểu hiện chán ăn, khó ngủ, than khóc và sợ hãi.
Daniels nhấn mạnh các bậc phụ huynh nên chú ý đến điều khoản của Youtube, trong đó nêu rõ: "Dịch vụ không dành cho trẻ em dưới 13 tuổi". "Tôi thấy tác động xấu chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ từ 6 đến 12 tuổi. Các em trong nhóm nhỏ tuổi hơn thực sự cần được lưu tâm", cô bổ sung.
Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, trẻ đang gặp căng thẳng cảm xúc thường có biểu hiện: thay đổi tâm trạng thất thường, rút lui khỏi các hoạt động tập thể, hay lo lắng, phàn nàn, khóc lóc hoặc sợ hãi. Trẻ thường xuyên bám vào cha mẹ hoặc giáo viên, ngủ quá nhiều hoặc quá ít và rối loạn ăn uống.
Đáng lo ngại hơn cả là những video có nội dung khiêu dâm nhắm vào trẻ em. "Đã có lúc, một em nhỏ khoảng 8 đến 10 tuổi được đưa tới phòng khám của tôi bị phát hiện đang làm những hành động kích dục. Trước đây, điều này chỉ xảy ra khi trẻ bị lạm dụng tình dục, bị người lớn quấy rối. Tuy nhiên trong 5 năm trở lại đây, Youtube là nguyên do", Daniels nói.
Ana Radovic, giáo sư trợ lý tại khoa nhi, Bệnh viện Nhi đồng UPMC ở Pittsburgh, cho biết việc điều trị trầm cảm cho thanh thiếu niên sẽ tốn khá nhiều thời gian. Tại phòng khám, cô bắt đầu phỏng vấn người bệnh về cách họ sử dụng mạng xã hội. "Một thiếu niên chia sẻ với tôi rằng em ấy rất thích theo dõi một ban nhạc trên Instagram, điều đó giúp em cảm thấy tốt hơn. Rồi đột nhiên, em nhìn thấy ảnh thành viên ban nhạc tự cắt cánh tay mình", cô kể lại.
Tại Việt Nam, vào giữa tháng 10, nhiều video nhảm từng đạt hàng triệu lượt xem của Youtuber Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thành Nam... đã không còn trên kênh. Các video, như Troll em gái em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết, hay Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết, đồng loạt bị gỡ bỏ.
Tiến sĩ Michael Rich, phó giáo sư nhi khoa tại Trường Y Harvard, giám đốc Trung tâm Truyền thông và Sức khỏe Trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Boston, cho biết có 4 vấn đề mà trẻ em gặp phải khi dùng internet, bao gồm nghiện game, nghiện mạng xã hội, xem nội dung khiêu dâm khi chưa đủ tuổi và "nghiện" thông tin. Các hành vi biểu hiện chủ yếu là tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm. Ông Rich và các đồng nghiệp cho rằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách lệch lạc có thể được xếp vào dạng hội chứng tâm thần.
Thục Linh (Theo CNBC, NY Times)