Sáng 15/8, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang cho biết, sau một đêm ngưng thu phí, trạm Cai Lậy vẫn chưa hoạt động trở lại vì một số tài xế tiếp tục phản ứng, ngăn cản nhân viên bán vé. Sở đang họp bàn với công an tỉnh để giữ an ninh trật tự khu vực trạm thu phí.
"Trước mắt, trạm phải xả để giữ an ninh trật tự, tránh gây ùn tắc trên quốc lộ. Còn thời gian đơn vị đầu tư xả trạm bao lâu, khi nào thu lại chúng tôi đang xin ý kiến cấp trên. Trong ngày mai, Bộ sẽ có buổi làm việc liên quan đến vấn đề này", ông Bon nói.
Hiện, toàn bộ nhân viên thu phí trong cabin đã được cho nghỉ, chỉ còn các nhân viên điều tiết ở lại. Do trạm xả nên giao thông tại khu vực này khá thông thoáng.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.
Trạm nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa Quốc lộ 1 trên 300 tỷ đồng.
Trong hai tuần hoạt động, khu vực trạm liên tục xảy ra ùn tắc, hỗn loạn khi các tài xế dùng tiền lẻ vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở Quốc lộ 1. Thậm chí, họ còn mang heo quay đến "cúng trạm". Các tài xế yêu cầu dời trạm vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.
Đại diện chủ đầu tư, Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lý giải, phí bảo trì mỗi năm đóng trên đầu xe chỉ đủ để "dặm vá ổ gà". Còn dự án tăng cường mặt đường trên quốc lộ do đơn vị thực hiện, bốc dỡ toàn bộ mặt đường để thảm lại nên chi phí cao hơn.
Hôm qua, làm việc với Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục Đường bộ Việt Nam ghi nhận những bức xúc của dư luận để giải quyết có tình, có lý. Ông cho biết kiến nghị giảm giá vé của tỉnh Tiền Giang có thể được giải quyết, xử lý trong tháng 9.
Hoàng Nam