Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 19, Thông tư 20 về cơ chế mua bán nợ xấu của VAMC cũng như quy định tái cấp vốn cho trái phiếu của công ty này. Theo đó, các ngân hàng sau khi bán nợ xấu cho VAMC sẽ nhận lại trái phiếu đặc biệt của công ty này. Để được tái cấp vốn, trái phiếu này phải được trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.
Về hạn mức tái cấp vốn, Thông tư 20 nêu rõ Thống đốc sẽ quyết định, dựa vào mục tiêu chính sách tiền quốc gia cũng như kết quả trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu. Mặc dù vậy, mức tái cấp vốn tối đa sẽ không quá 70% mệnh giá trái phiếu.
Lãi suất tái cấp vốn cho trái phiếu của VAMC sẽ do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ. Nếu đến hạn, ngân hàng không trả nợ đủ, lãi suất quá hạn sẽ bằng 150% lãi suất trong hạn. Đồng thời, nhà điều hành sẽ trích tài khoản tiền gửi của ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước, chuyển khoản tái cấp vốn thành khoản cho vay đặc biệt, góp vốn, mua cổ phần của Ngân hàng Nhà nước tại tổ chức tín dụng.
Thời hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt. Ngân hàng có thể được gia hạn tái cấp vốn thời gian gia hạn mỗi lần không vượt quá thời gian tái cấp vốn lần đầu.
Trong khi đó, điều kiện để các ngân hàng được bán nợ cho VAMC đã có một vài thay đổi so với dự thảo thông tư trước đây được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, tài sản đảm bảo cho các khoản nợ không nhất thiết phải là bất động sản. Ngoài ra, VAMC chỉ mua nợ xấu có dư nợ ở thời điểm từ 3 tỷ đồng trở lên với khách vay là tổ chức, từ một tỷ đồng với khách vay cá nhân. Tuy nhiên, VAMC có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu có bằng chứng cho thấy khoản nợ xấu không đủ điều kiện.
VAMC chỉ mua nợ xấu với giá trị thị trường nếu khoản nợ này được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền và tài sản bảo đảm có khả năng phát mại.
Ngân hàng có nợ xấu trên 3% đều phải bán nợ cho VAMC. Trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá, kiểm toán độc lập, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các ngân hàng bán nợ để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn.
Thanh Thanh Lan