Ngay sau khi VAMC chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/7 đã có nhiều ý kiến lo ngại công ty này sẽ “thất nghiệp” vì các nhà băng không mặn mà bán nợ xấu. Trả lời Bloomberg ngày 6/8, Tổng giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) Nguyễn Hữu Thủy khẳng định có thể mua khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu từ 10 ngân hàng trong vòng 2 tháng tới. Ông Thủy thông tin, nửa tháng nữa sẽ có những giao dịch mua bán đầu tiên giữa VAMC và các nhà băng.
Nhiều ngân hàng, dù nợ xấu vượt hoặc dưới 3%, đều cho VnExpress biết sẽ sẵn sàng bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, đến nay mới có Ngân hàng Á Châu (ACB) “phát tín hiệu” sẵn sàng bán 1.500 tỷ đồng nợ xấu. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay ACB này có khoảng 3.090 tỷ đồng nợ xấu, chiếm khoảng 2,9% tổng dư nợ. Ông Toàn cũng nhấn mạnh, số nợ này chỉ là sự tính toán riêng của ACB chứ thực tế thì hai bên chưa hề có sự gặp gỡ, tiếp xúc mua bán nào. Bởi hiện nay, VAMC còn chờ các thông tư hướng dẫn cụ thể về cách thức, giá cả mua bán.
Tổng giám đốc ACB cho rằng, thực ra trước nay, nhà băng đã từng tiến hành bán các khoản nợ trong hạn, nay chỉ khác là bán các khoản nợ ngoài hạn (nợ xấu). Do đó, việc mua bán nợ xấu này cũng là mảng kinh doanh sinh lời nếu thấy hiệu quả thì triển khai.
“Thời gian bán lại nợ xấu cho VAMC là 5 năm đủ để các ngân hàng giảm bớt áp lực nợ xấu. Ngoài ra, tiền thu được từ bán nợ xấu sẽ đưa vào kinh doanh để sinh lời. Do vậy, dù dồi dào thanh khoản, nhưng bán lại nợ xấu vẫn là một giải pháp đỡ xấu hơn”, ông Toàn nhận xét.
Còn lại, các nhà băng đều khá dè dặt khi công bố kế hoạch, một phần theo lý giải của họ là vẫn chưa rõ ràng về cơ chế nên chỉ để ngỏ khả năng tham gia. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một trong những "ông lớn" quốc doanh có nợ xấu cao trong hệ thống, cho biết chắc chắn sẽ bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, con số cụ thể bao nhiêu Agribank chưa công bố. "Hiện ngân hàng đang rà lại toàn bộ các khoản nợ nên chưa có số liệu chính thức", vị lãnh đạo này cho hay.
Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) sau khi nhận Habubank cũng phải cáng đáng nhiều khoản nợ xấu khổng lồ. Con số tính đến hết quý I được công bố vẫn trên 8% và chắc chắn thuộc diện phải bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, đại diện SHB cũng cho biết chưa thể công bố khối lượng nợ xấu dự kiến sẽ bán. "Chúng tôi đang rà soát, tổng hợp lại nên chưa có con số chính thức", một lãnh đạo SHB cho hay.
Nhiều ngân hàng nợ xấu dưới 3% cũng ngỏ ý muốn bán nợ cho VAMC. Đại diện một ngân hàng quốc doanh khác là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cân nhắc sẽ bán nợ cho VAMC. Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông Phan Huy Khang cũng cho biết: “Chúng tôi đang chờ hướng dẫn cụ thể về các điều khoản mua bán. Nếu việc mua bán này tốt cho nhà băng thì chúng tôi rất sẵn lòng bán lại những khoản nợ xấu cho VAMC”, ông Khang nói.
Trên thực tế, VAMC đã hoạt động được gần nửa tháng nhưng Thông tư về việc mua bán, xử lý nợ xấu của công ty này vẫn còn nằm trên dự thảo. Bên cạnh đó, các ngân hàng đều cho rằng nếu cơ chế mua bán theo dự thảo, sẽ rất khó khăn cho các nhà băng đáp ứng tiêu chuẩn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng sự ngập ngừng của các tổ chức tín dụng khi cân nhắc bán nợ là điều dễ hiểu. Theo ông, đương nhiên tất cả đều muốn xử lý nợ nhưng họ vẫn muốn chờ hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế mua bán mới đưa ra quyết định. Hơn nữa, chuyên gia Đinh Tuấn Minh cho rằng làm việc với VAMC các ngân hàng càng phải thận trọng. "Họ vừa phải trích lập dự phòng 20% một năm trong vòng 5 năm, vừa phải phải chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước chặt chẽ hơn nên không phải tổ chức tín dụng nào cũng thích", vị chuyên gia này phân tích.
Tổng giám đốc VAMC cho biết sẽ ưu tiên mua nợ xấu của các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất và có tài sản đảm bảo là bất động sản. VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt cho ngân hàng bán nợ và tổ chức tín dụng này có thể dùng trái phiếu làm tài sản đảm bảo để được tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước. VAMC sẽ mua lại nợ theo giá trị sổ sách nhưng bán lại theo giá thị trường. Phần chênh lệch này được ông Nguyễn Hữu Thủy lý giải như sự mất mát bù đắp cho những tổn thất của nợ xấu mà bản thân các ngân hàng và "con nợ" của họ phải chịu.
Thanh Lan - Lệ Chi