Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, có 27 doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tháng 7 và huy động được gần 20.000 tỷ đồng. Giá trị phát hành thấp hơn 22.000 tỷ đồng so với tháng trước, nhưng giá trị đăng ký tiếp tục tăng vọt và lập đỉnh mới với gần 75.600 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu về số vốn huy động với trên 8.100 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng giá trị phát hành. Tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản, dịch vụ, sản xuất và chứng khoán.
Luỹ kế bảy tháng đầu năm đã có gần 1.000 đợt trái phiếu phát hành thành công và huy động xấp xỉ 180.000 tỷ đồng, kỳ hạn bình quân 4 năm.
Nguyên nhân kênh huy động vốn này không ngừng tăng trưởng nóng là vì nhiều doanh nghiệp chạy nước rút trước thời điểm nghị định mới với những ràng buộc chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành trái phiếu có hiệu lực từ 1/9. Nghị định mới quy định mỗi đợt phát hành trái phiếu phải hoàn thành trong vòng 90 ngày từ khi công bố thông tin và đợt sau cách đợt trước tối thiểu 6 tháng. Quan trọng hơn là dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
Các ngân hàng lớn liên tiếp phát hành trái phiếu nhằm hút vốn bù đắp phần vốn thiếu hụt từ các khoản nợ được giãn, hoãn thời gian vì dịch bệnh và đáp ứng quy định về an toàn vốn theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, quy định siết tín dụng bất động sản lại là động lực quan trọng để các doanh nghiệp mảng này huy động nhằm có dòng vốn lưu động và cơ cấu nợ hiện hữu.
Dự báo tình hình phát hành trong những tháng cuối năm, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, trái phiếu vẫn là kênh huy động hấp dẫn nhất cho các doanh nghiệp cần vốn để hồi phục sau dịch. Lý do là ngân hàng đang có xu hướng thắt chặt điều kiện cho vay để hạn chế rủi ro nợ xấu.
Phương Đông