Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, từ 1/9 tới, doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch dưới 100 nhà đầu tư trong vòng 1 năm từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Sau thời gian này, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế số lượng nhà đầu tư.
Với trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế thì tuân thủ quy định về giao dịch tại thị trường phát hành
Nghị định cũng quy định, doanh nghiệp phải công bố thông tin tối thiểu 3 ngày trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước, gửi nội dung công bố cho Sở Giao dịch chứng khoán.
"Kênh" huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng thời gian qua.
Theo số liệu vừa công bố của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, 6 tháng đầu năm có 130 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với giá trị trên 156.000 tỷ đồng.
Ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản là 2 nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất. Đến hết tháng 6, các ngân hàng đã phát hành thành công hơn 43.300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn bình quân 4,55 năm. Trong khi lượng trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản hơn 45.500 tỷ đồng, với kỳ hạn bình quân 3,84 năm.
Từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã nhiều đưa ra khuyến cáo liên quan đến rủi ro tiềm ẩn ở kênh huy động vốn này. Gần nhất, đầu tháng 7, cơ quan này khuyến nghị doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ. Với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, Bộ Tài chính nhiều lần khuyến cáo "không nên mua chỉ vì lãi suất cao".
Anh Minh