Ngoài ngoại hình và tính cách, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh giờ đây có thêm một điểm chung nữa là trở thành hai lãnh đạo thế giới cùng phải nhập viện vì Covid-19. Tổng thống Mỹ đang được điều trị, 6 tháng sau khi Thủ tướng Anh bị virus tấn công.
Ngày 27/3, Thủ tướng Johnson thông báo ông dương tính nCoV. Điều này không gây bất ngờ quá lớn bởi virus trước đó đã xâm nhập vào các cấp cao nhất của chính phủ Anh, lây nhiễm cho nhiều bộ trưởng và các cố vấn cấp cao.
Trong một video đăng trên Twitter, Thủ tướng Johnson cho biết ông đã xuất hiện "các triệu chứng nhẹ" nhưng vẫn sẽ lãnh đạo chính phủ dù bị cách ly, nhờ vào "sự thần kỳ của công nghệ hiện đại".
Một tuần sau, Thủ tướng Anh thông báo cơn sốt vẫn dai dẳng, khiến ông phải tiếp tục tự cách ly. Hai ngày sau, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho hay Thủ tướng đang "hoàn toàn kiểm soát tình hình". Tối cùng ngày, Johnson nhập viện, dù Phố Downing khẳng định đây chỉ là một "biện pháp phòng ngừa".
24 tiếng sau, công chúng Anh không khỏi sốc khi biết tin tình trạng của Thủ tướng đã "xấu đi" và ông phải chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt.
Những trải nghiệm của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh có nhiều nét tương đồng. Giống lãnh đạo nước Anh, thông qua những bức ảnh bên bàn làm việc tại Trung tâm Quân y Quốc gia Walter, ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh mình vẫn sẽ điều hành mọi công việc trong thời gian điều trị Covid-19. Cả hai đều nhập viện với lưu ý rằng đây chỉ là biện pháp phòng ngừa. Cả hai đều trên 50 tuổi và thừa cân, hai yếu tố khiến nguy cơ của họ cao hơn hẳn khi nhiễm nCoV.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình điều trị bệnh và công bố thông tin giữa hai bên vẫn có những khác biệt nhất định.
Cập nhật về tình hình sức khỏe của Thủ tướng Johnson đến chủ yếu từ một nguồn là phát ngôn viên số 10 Phố Downing, thay vì từ bệnh viện hay bác sĩ riêng chăm sóc cho ông. Tại Mỹ, các bác sĩ của Tổng thống lại tổ chức họp báo công bố thông tin.
Về mặt nào đó, cách làm này tạo ra sự nhiễu loạn, đặc biệt khi thông tin từ bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley, người chuyên trách chăm sóc, cập nhật tình hình sức khỏe của Tổng thống Trump, lại trái ngược với thông tin từ các cố vấn Nhà Trắng.
Không giống như tại Anh, các phóng viên Mỹ có thể đặt câu hỏi với đội ngũ y tế điều trị cho Trump. Do đó, người Mỹ dường như có được bức tranh rộng hơn về sức khỏe của lãnh đạo.
Ở Mỹ, một đơn vị y tế đặt trụ sở tại Nhà Trắng chỉ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Tổng thống. Các ứng viên tổng thống ngày nay đều thường được yêu cầu công bố hồ sơ y tế cá nhân. Cơ chế trên không tồn tại ở Anh.
Khi Thủ tướng Anh phải vào phòng chăm sóc đặc biệt, Ngoại trưởng Dominic Raab được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng thay thế "nếu cần thiết".
Tại Mỹ, Tu chính án thứ 25 đặt ra các điều kiện để phó tổng thống tiếp nhận quyền lực từ tổng thống, nhưng ở Anh, không có quy định hay điều luật nào cho phép việc chuyển giao trách nhiệm, quyền hạn như thế.
Kể từ khi Trump nhập viện, nhiều đồn đoán ngay lập tức xuất hiện về việc liệu tỷ lệ ủng hộ ông sẽ bị ảnh hưởng ra sao, đặc biệt khi mà cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn cách một tháng nữa. Đa phần các cuộc thăm dò đều cho thấy kết quả tiêu cực.
Tại Anh, theo nhà phân tích chính trị Peter Barnes từ BBC, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Johnson đã tăng vượt 50% kể từ thời điểm chính phủ ban hành các biện pháp ngăn chặn Covid-19. Đà tăng này vẫn duy trì kể cả khi ông nhập viện.
Thủ tướng Johnson xuất viện vào ngày 12/4 và quay trở lại làm việc sau hai tuần nghỉ ngơi.
6 tháng trôi qua, vẫn còn những câu hỏi về việc liệu ông đã hồi phục hoàn toàn hay chưa. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có phải chịu bất kỳ di chứng nào của căn bệnh không, Thủ tướng Johnson khẳng định ông "cực kỳ khỏe mạnh".
Lần nhập viện hồi tháng ba đã làm thay đổi ít nhất một thói quen của Thủ tướng Anh. Thời điểm nhiễm virus, ông thừa nhận mình "quá béo" và đã thuê huấn luyện viên thể hình riêng để hướng dẫn tập luyện giảm cân.
Trước khi nhập viện hôm 2/10, Trump đã được điều trị bằng liệu pháp kháng thể thử nghiệm của công ty Regeneron nhằm làm giảm mật độ virus. Thử nghiệm này đã cho thấy kết quả hứa hẹn trên 275 bệnh nhân.
Nhưng nó chưa nhận được "giấy phép sử dụng khẩn cấp" (EUA) từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ. Công ty công nghệ sinh học Regeneron cho biết họ cung cấp thuốc cho Trump sau khi nhận được yêu cầu "hỗ trợ khẩn cấp" từ các bác sĩ của Tổng thống.
Với hầu hết những người bình thường ở Mỹ, "việc tiếp cận với những loại thuốc chưa được cấp phép thông qua yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp là một quy trình lâu dài và đầy thách thức", trung tâm y khoa học thuật phi lợi nhuận Mayo Clinic, cho hay.
Nhưng Tổng thống Trump được điều trị chỉ một ngày sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19 và đây không phải lợi thế duy nhất mà ông có được so với hàng trăm nghìn người Mỹ khác đang phải nhập viện vì nhiễm nCoV.
Ngoài liệu pháp kháng thể thử nghiệm, Trump còn được cho dùng thuốc Remdesivir và Dexamethasone.
"Tổng thống có lẽ là bệnh nhân duy nhất trên thế giới được dùng kết hợp cùng lúc những loại thuốc đó", bác sĩ Jonathan Reiner, giáo sư dược tại Đại học George Washington, bình luận.
Remdesivir chưa được FDA phê chuẩn dùng trong điều trị Covid-19 nhưng được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy 5 ngày dùng Remdesivir có thể đẩy nhanh tốc độ hồi phục ở một số bệnh nhân, nhưng loại thuốc kháng virus này cũng gây ra những tác dụng phụ như thiếu máu, nhiễm độc gan hay nhiễm độc thận.
Trump còn sử dụng cả Dexamethasone, một loại corticosteroid giá rẻ, có sẵn, tác dụng chống viêm. Nhưng nó gây ức chế hệ thống miễn dịch, vậy nên, thuốc thường không được khuyến khích dùng cho bệnh nhân Covid-19, trừ những trường hợp nghiêm trọng.
"Kết luận duy nhất có thể rút ra từ liệu pháp bộ ba này đó là các bác sĩ của Tổng thống cảm thấy ông đang gặp nguy hiểm", bác sĩ Reiner suy đoán.
Sau 4 ngày điều trị tại Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, ông chủ Nhà Trắng đã rời bệnh viện để trở về Nhà Trắng. Tuy nhiên, Conley thừa nhận ông vẫn lo lắng về khả năng tình hình của Tổng thống có thể chuyển hướng xấu đi. "Đó là lý do chúng tôi vẫn luôn giữ thái độ lạc quan thận trọng", Conley nói.
Vũ Hoàng (Theo CNN, BBC)