Nằm trên vành đai núi lửa Thái bình dương, New Zealand còn sở hữu một “tài nguyên” du lịch khác, đó là những trải nghiệm về động đất mà để cảm nhận rõ nét nhất hẳn bạn phải đến Christchurch.
Có tuổi đời gần 200 năm, thành phố mang dáng dấp đặc Anh này cũng có cái tên từ Anh - Christchurch là một khu trường trực thuộc đại học Oxford danh tiếng. Thành phố cũng sở hữu những công trình kiến trúc cổ như các nhà thờ, công trình công cộng, toà nhà công sở, ga tàu theo các phong cách kiến trúc thời nữ hoàng Victoria.
So sánh một cách tương đối, Christchurch sẽ giông giống như Melbourne. Những đường phố quang quẻ với các tuyến xe điện dọc ngang. Hè phố thảnh thơi với các quán cà phê khiến du khách có cảm giác như đang ở một thành phố Âu châu nào đó hơn là cách nửa vòng trái đất.
Christchurch cũng được quy hoạch và xây dựng như một thành phố xanh với vô vàn các công viên và vườn hoa nằm trong thành phố. Nơi đây, cũng là một căn cứ tiền tiêu của nhiều nước như Mỹ, Úc để bay tới các trạm Nam cực.
Phần nhiều trong số những dòng bạn đọc trên đây được viết cho những năm trước 2010, còn giờ đây, thành phố quang quẻ với những “quảng trường” rộng lớn, nguyên thủy là những khu phố cổ nêu trên đã bị đổ nát.. Vẫn còn những tòa nhà nguy hiểm bao quanh bằng các hàng rào thép hoặc rào nhựa.
Nguyên nhân của sự biến đổi kinh khủng trên là do những trận động đất trong hai năm 2010 và 2011. Như chúng ta đã biết, New Zealand nằm trên vành đai núi lửa vòng quanh Thái Bình Dương nên việc các hoạt động kiến tạo như động đất, núi lửa vẫn là chuyện như cơm bữa ở đây.
Các trận động đất từ 5 đến 6 độ Richter là thường xuyên tới mức dân New Zealand cũng không có e ngại hay sợ hãi gì nữa. Nhưng giọt nước tràn ly, hàng chục trận động đất trong những năm 2010 đến 2012 với cường độ trên 5 độ Richter, trận lớn nhất tới 7,1 độ Richter đã phá huỷ những toà nhà đẹp đẽ cùng các cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố này.
Tuy phá huỷ phần lớn thành phố nhưng trận động đất này chỉ giết hại 185 người, so với hơn 69 nghìn người của trận động đất Tứ xuyên năm 2008 (năm này, chúng tôi cũng ở Tứ xuyên và trận động đất xảy ra chỉ sau chuyến đi vài tháng). Trong số này, có tới 115 người đã mất mạng trong toà nhà 6 tầng của đài truyền hình khu vực.
Trở lại với Christchurch, sau trận động đất, chỉ trên các tuyến trung tâm của thành phố đã có hàng ngàn ngôi nhà bị sụp đổ hoặc bị ảnh hưởng tới mức nguy hiểm, biến thành những khu vực hoang tàn bị rào chắn kể trên.
Khu rào chắn trung tâm thành phố này (gọi là Central City Red Zone) – được dựng lên từ trận động đất ngày 22 tháng 2 năm 2011, mới được tháo dỡ vào tháng 6 năm 2013, tới 859 ngày sau động đất.
Nếu chúng tôi đến đây sớm hơn chỉ vài tháng thì sẽ không được vào khu vực trung tâm này. Tuy thế, những hàng rào dọc ngang chặn đường hoặc phân làn xe giữa đường phố vẫn còn nguyên và khung cảnh những khu đất rộng mênh mông đã được dọn sạch gợi cho chúng ta một cảm giác buồn đến nao lòng và cảm nhận được sức tàn phá của thiên nhiên.
Chúng tôi chạy xe trong thành phố với tâm trạng khó tả, dù đã biết đến một thành phố bị phá huỷ phần nhiều nhưng những xúc cảm nặng nề vẫn không thể tránh khỏi.
Riêng tôi, tôi cho là thành phố này không nên dọn các nhà đổ nát do động đất, để nguyên nó. Biết đâu, sau này thành phố sẽ có những khu di tích không thể ấn tượng hơn về sự tàn phá của động đất cho thế hệ mai sau, hoặc có thể là một phim trường lớn nhất thế giới để đóng phim chiến tranh.
May mắn là các khu vực ngoại vi hoặc nhà cửa thấp tầng của dân cư thì hầu như không bị ảnh hưởng lớn, do vậy vẫn còn đó những mảng xanh, điểm xuyết những ngôi nhà xinh xắn, phủ kín dây leo…
Còn một điểm nữa để du khách có thể trải nghiệm cảm giác của động đất, đó là một nơi cách Christchurch gần một giờ đồng hồ bay, là bảo tàng Tepapa ở thành phố Wellington.
Thăm hai nơi để có trải nghiệm đầy đủ về những mặt trái khắc nghiệt bên cạnh những cảnh đẹp huy hoàng, bỗng dưng du khách có cảm giác cảm phục những con người xứ Kiwi hiền hòa nhưng rất dũng cảm, không chỉ tự hào với cảnh đẹp mà còn sẵn sàng đương đầu với những thử thách mà vùng đất yêu quý của họ mang đến.