"Bốn năm nay mẹ tôi đi cấp cứu 3 lần và thêm 3 lần cấp cứu trực tiếp tại Hồi sức tích cực, tôi hiểu tương đối rõ quá trình. Đừng trách bác sĩ chữa cho người này trước, người kia sau.
Có những người vào viện khi sự sống tính bằng giờ, ngay từ lúc lên xe đã phải tiêm kích thích sự sống thêm vài giờ để cố duy trì nhịp cho kịp đến bệnh viện. Có những người tới khoa cấp cứu còn phải lắp thêm đến ba máy tiêm tĩnh mạch điện tử để duy trì sự sống trong lúc tìm cách xác định bệnh. Có người còn mất mấy ngày mới tìm ra nguyên nhân, có người tiêm không đạt còn phải sốc điện trên xe...
Nên vào viện, các trường hợp đó hay được ưu tiên. Mẹ tôi hơn tháng trước cũng bị trường hợp bị tiêm nhầm thành thuốc chống động kinh. Trong khi mẹ tôi bị hiện tượng rung nhĩ và máu đông, khi cả hai cùng phát tác sẽ gây nhịp tim tăng cao rồi hạ thấp liên tục trong vài giây, gây ra hiện tượng co rút cơ. Lần này thấy vậy, tôi yêu cầu vào thẳng phòng cấp cứu khoa Hồi sức tích cực.
Có người bị hen cấp, bác sĩ thực hiện nhanh biện pháp rồi cho nằm chờ kiểm tra sau vì cơn hen cấp đã qua. Nhưng có người vào với dấu hiệu như mẹ tôi, ngay lập tức họ tiêm tĩnh mạch điện tử từ 1ml/h, thấy chưa ổn thì tăng lên 2ml/h, cho ổn định xong mới đưa đi chụp, chiếu... Dựa trên bàn luận, có trường hợp phải hội ý xong mới đi chụp chiếu xác định nguyên nhân gây ra tình trạng, rồi mới tiến hành chữa trị...".
Độc giả Tuanh người từng đưa mẹ đi cấp cứu tới 6 lần, trong đó có 3 lần tại khoa Hồi sức tích cực chia sẻ như trên, sau bài viết Cấp cứu cũng phải chờ đến lượt.
Cảnh tượng không hiếm gặp ở các bệnh viện tuyến cuối là người nhà thắc mắc: "Nhiều bệnh nhân đến sau nhưng được chăm sóc trước, sao người nhà tôi phải chờ đến lượt". Bài viết phỏng vấn, nêu ý kiến của một số chuyên gia y tế đến từ các bệnh viện tuyến cuối trên cả nước, lý giải nguyên nhân: Nhân lực y tế hạn chế nên phải phân loại tình trạng người bệnh cấp cứu để ưu tiên chữa cho người nguy kịch.
Độc giả Tuan Hoang chia sẻ góc nhìn từ cả vị trí người nhà bệnh nhân lẫn suy nghĩ dành cho đội ngũ y tế:
"Bản thân tôi cũng từng đưa người nhà vào khoa cấp cứu của nhiều bệnh viện... rất đáng sợ. Áp lực ở khoa cấp cứu là vô cùng kinh khủng. Tôi đặt mình vào tâm lý của y bác sĩ ở đây cũng hiểu: Họ đối mặt sinh tử là chuyện hằng ngày. Họ phải giữ sự lạnh lùng để đưa ra những phán đoán chính xác từng ca.
Còn đối với người nhà và bệnh nhân thì đó là điều khủng khiếp, nên bức xúc là không tránh khỏi. Đó là hai việc mãi mãi mâu thuẫn nhau.
Tôi nghĩ việc chúng ta có thể cải thiện là quy trình tiếp nhận bệnh nhân. Ví dụ, trong quá trình đưa bệnh nhân vào bệnh viện, hãy cập nhật tình huống tai nạn, thông tin bệnh nhân... qua tổng đài của bệnh viện và y tá theo xe. Khi bệnh nhân đến bệnh viện thì mọi thứ đã sẵn sàng và có thể tiền phân loại (pre-triage)".
Trong khi đó, độc giả Tran Hung nhấn mạnh đến yếu tố môi trường làm việc cho bác sĩ và sự cần thiết của việc tách biệt cảm xúc tại khoa cấp cứu:
"Tại khoa cấp cứu, nơi mọi cảm xúc bị dồn nén, chỉ chực bật ra như một chiếc lò xo nén chặt. Vì thế tôi nghĩ nên tách hẳn khu vực người nhà bệnh nhân, thậm chí bố trí cả lực lượng bảo vệ túc trực bên ngoài. Như vậy bác sĩ mới có thể tập trung cho công việc".
Cuối cùng, độc giả nickname hale30886 cho rằng người nhà cần được cung cấp thông tin đầy đủ về tình trạng của thân nhân: " Có một vấn đề rất rõ là: tất cả các khoa cấp cứu ở Việt Nam gần như không hề có giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu rõ mức độ nặng của bệnh nhân theo đánh giá ban đầu này, để họ yên tâm mà chờ đợi đến lượt khám, và bao lâusau đó thì sẽ đến lượt khám.
Vì nếu chỉ làm thủ tục hành chính đầu vào để khám, rồi bảo bệnh nhân vào vị trí mà không hề đưa ra thêm thông tin gì ngoài chữ "chờ khám", thì người nhà bệnh nhân ắt hẳn sẽ sốt ruột mà hỏi thêm.
Vấn đề là ở communication (giao tiếp) không chuyên nghiệp, chưa rõ ràng, và có tính truyền thống (vì chưa có quy định nào đề ra cả) từ trước đến giờ thôi.
Mong sao ngành y tế cải thiện và có quy định về việc này: nhân viên y tế sau khi làm thủ tục đầu vào phải nói rõ tình trạng lúc vào phân loại là bao nhiêu và khi nào (tức là bao nhiêu phút sau) bệnh nhân sẽ được khám với người nhà bệnh nhân, và có bảng chỉ rõ việc này trên tường để người nhà bệnh nhân đọc: thương tổn mức độ mấy, được khám sau bao lâu, nếu không được khám thì gọi cho ai.
Đây là việc làm chuyên nghiệp của nhân viên y tế và thể hiện rõ trình độ quản lý quy trình làm việc của bệnh viện, để người dân hiểu và hợp tác".
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 của Bộ Y tế, cấp cứu là tình trạng sức khỏe hoặc hành vi xuất hiện đột ngột của một người mà nếu không được theo dõi, can thiệp kịp thời thì có thể dẫn đến suy giảm chức năng cơ thể, tổn thương nghiêm trọng và lâu dài đối với cơ quan, bộ phận cơ thể hoặc tử vong ở người đó hoặc đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng đối với người khác. |
Hữu Nghị tổng hợp