Mấy ngày nay, chúng ta đang tranh luận trong câu chuyện ở xứ Tuyên khi trò thì nhốt cô giáo, lăng mạ, ném đồ, cô giáo thì tức nước vỡ bờ rượt đuổi đánh lại trò trong lớp. Một hình ảnh mà những người làm giáo dục chả ai muốn thấy. Nó chỉ là một trong số hằng hà những vụ, được coi là bạo lực học đường trong thời gian qua.
Một thời gian sau, Tuyên Quang rồi cũng lắng xuống, mọi thứ rồi cũng bị lãng quên, nhưng những trăn trở thì vẫn còn. Là ai sai?
Là thầy sai vì đã dùng biện pháp giáo dục quá mức? Đã không giữ được bình tĩnh, không vãn hồi được cuộc loạn. Hay do trò sai vì đã không tôn sư trọng đạo, đã không đối xử đúng mực với thầy cô?
Hay do phụ huynh sai vì quá chiều chuộng những cậu ấm, cô chiêu, đã quá bảo bọc các em nó với tư duy giáo dục không đòn roi?
Bắt đầu với cha mẹ, đã bao lâu rồi chúng ta không ngồi nghe con trẻ tâm sự như người bạn hay vì cơm áo, vì thành tích mà chúng ta chỉ tập trung vào công việc. Cha mẹ thì bận bịu đi làm, về nhà thì nấu cơm rồi cho con ăn, sau bữa cơm, chỉ là những câu hỏi qua loa về điểm số sau đó ai lại ôm cái điện thoại, TV rồi lủi về phòng người đó, người nghỉ ngơi, người đi học, học thêm.
Cha mẹ dạy dỗ con cái phải đi thưa về gửi, phải tôn sư trọng đạo, phải biết cảm ơn, xin lỗi nhưng đã lần nào cha mẹ thực sự xin lỗi con cái bởi những điều chúng ta sai lầm hay chưa? Hay những lời dạy chỉ là sự giáo điều? Thực sự chúng ta đã tôn trọng con cái, tôn trọng suy nghĩ và tôn trọng cả tư tưởng của nó chưa?
Đối với thầy cô, thực tế bây giờ bao nhiêu người thực sự có thời gian để ngồi nói chuyện tâm sự với trò, những cuộc đi du lịch của trường, các thầy cô đã thực sự đi cùng trò như một người cha, người mẹ, người đồng đội hay chưa hay thầy cô chơi với thầy cô, học trò đi với học trò.
Có lẽ nào, những gánh nặng về thành tích, về điểm số đã đè quá nặng lên thầy cô. Những buổi sinh hoạt lớp cuối tuần chỉ là bình công, tội thay vì những dịp để cô và trò cùng tâm sự, chia sẻ, cùng nói lời cảm ơn và cả lời xin lỗi. Những cái bản kiểm điểm có thực sự quan trọng hơn một lời xin lỗi thật lòng, những bó hoa, món quà ngày 20/10, 20/11 có thực sự thay thế một lời cảm ơn chân thành từ chính học sinh hay không?
Đối với học trò, các em, hãy suy nghĩ lại đúng sai, phải trái, hãy biết tâm sự với người lớn và thêm mở lòng, mình trộm nghĩ, các em muốn lắm chứ, nhưng các em không biết phải làm sao, nói thế nào. Nên chính chúng ta, những người đi trước với kinh nghiệm đầy mình nên cần tự cảm thấy có trách nhiệm với những cô, những cậu học trò. Cách mở lòng ra sao, thậm chí với người lớn, nhiều người còn chưa thạo.
Cuối cùng là bộ ngành, cơ quan chức năng. Nên chăng cần một bộ quy tắc ứng xử giống như bộ lao động có luật lao động vậy. Học sinh thế nào là sai, và sai thì thực hiện sao, giáo viên thế nào là sai, và khi giáo viên sai thì học sinh phải làm gì để thay đổi, để tự bảo vệ mình thay vì những hành động cực đoan vậy.
Rất rất cần các nhà luật học chung tay xây dựng bộ chuẩn mực chung, giúp giáo viên làm cho đúng luật và được bảo vệ, học sinh cũng biết cách ứng xử sao cho hợp lý để thực sự mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui, mỗi ngày được đứng lớp đều là một ngày hạnh phúc.
Giáo dục cần sự chung tay của cả gia đình, thầy cô và xã hội, các cơ quan bộ ngành. Họ là gốc, hãy giữ lấy gốc bằng mọi giá, mọi nguồn lực và cái tâm của mỗi người. Đừng để các thầy cô và các em học sinh phải cô đơn nữa.
MyloveisWinter
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.