Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, quyền trưởng khoa Ngoại Niệu cho biết sau ca mổ tái tạo kéo dài 7 giờ vào tháng 5, hiện Đức đã hồi phục, vết mổ lành, bàng quang tân tạo sử dụng tốt. Bé có thể vui chơi sạch sẽ và trở về nhà để bắt đầu đi học.
Bàng quang mới của bệnh nhi được tái tạo từ đoạn ruột non, ruột già kèm theo ruột thừa mở rộng. Ban đầu các bác sĩ hy vọng có thể nối đường tự nhiên niệu đạo. Tuy nhiên phần bàng quang mất gần như toàn bộ, quá sâu nên không còn mô để khâu nối vào đường tự nhiên.
Các bác sĩ đã quyết định chọn giải pháp dùng ruột thừa như đường dẫn giúp chuyển lưu nước tiểu trong bàng quang. Phần ruột thừa có vai trò như van chống nước tiểu trào ra. Thông thường, khoảng 3 tiếng khi nước tiểu đầy, thông tiểu được đặt qua ruột thừa, giúp thoát nước tiểu ra ngoài. Phương pháp này theo hội chẩn của các chuyên gia đầu ngành toàn quốc do Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch hội Ngoại Nhi Việt Nam, chủ trì dưới sự giám sát của Bộ Y tế vào tháng 12/2012.
"Phần chức năng sinh sản của bé bình thường, không bị ảnh hưởng. Thời gian nằm viện của bệnh nhi kéo dài vì xuất hiện đợt viêm hô hấp nên phải điều trị ổn định trước khi xuất viện. Ngoài việc chăm sóc vết mổ, lưu ý thông tiểu, tái khám định kỳ, bệnh nhi cần được chăm sóc tốt dinh dưỡng vì bé biếng ăn, nhẹ cân", bác sĩ Thạch chia sẻ.
Toàn bộ viện phí điều trị cho bé Đức được Bệnh viện Nhi đồng 2 miễn phí. Trước đó bệnh nhi từng bị cắt nhầm bàng quang khi mổ thoát vị bẹn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh khi 2 tuổi, vào tháng 10/2012.
Lê Phương