Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, quyền trưởng khoa Ngoại Niệu (Bệnh viện Nhi đồng 2), cho biết, êkíp mổ đã tiến hành lấy một đoạn ruột non, ruột già kèm theo ruột thừa mở rộng để làm bàng quang mới.
Ban đầu, các bác sĩ hy vọng có thể nối đường tự nhiên niệu đạo. Tuy nhiên, phần bàng quang nguyên thủy mất gần như toàn bộ, quá sâu nên không còn mô để khâu nối, đây là yếu tố chính không thể nối vào đường tự nhiên.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Thạch, bàng quang tân tạo làm hoàn toàn từ ruột, dịch từ niêm mạc tiết ra rất nhiều giả mạc. Việc khâu nối trực tiếp niệu đạo sẽ có một tỷ lệ nguy cơ nhất định gây viêm hệ thống sản xuất và dẫn tinh trùng qua đường tiền liệt tuyến. Điều này thường gây viêm mào tinh hoàn ở trẻ trai về sau, ảnh hưởng đến việc sinh sản sau này.
Bởi vậy, các bác sĩ quyết định chọn giải pháp dùng ruột thừa như đường dẫn giúp chuyển lưu nước tiểu trong bàng quang thoát ra ngoài.
Phương pháp phẫu thuật này cũng làm đúng theo tinh thần hội chẩn của các chuyên gia đầu ngành toàn quốc do Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch hội Ngoại Nhi Việt Nam, chủ trì dưới sự giám sát của Bộ Y tế vào tháng 12/2012.
Đây là thời điểm phẫu thuật thích hợp vì bé sắp đến tuổi đi học. Nếu không phẫu thuật sớm, với hai ống niệu quản dẫn ra da, lúc nào nước tiểu cũng chảy, bé không đi học, đi bơi được, phải mang tã cả ngày. “Sau phẫu thuật, phần ruột thừa có vai trò như van chống nước tiểu trào ra. Thông thường, khoảng 3-4 tiếng khi nước tiểu đầy, thông tiểu được đặt qua ruột thừa, giúp thoát nước tiểu ra ngoài. Bé có thể tự làm sau khi có hướng dẫn của người lớn”, bác sĩ Thạch chia sẻ.
Bé Đức từng bị cắt nhầm bàng quang khi mổ thoát vị bẹn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh khi 2 tuổi vào tháng 10/2012.
Lê Phương