Khoảng 18h30, Nguyễn Thị Ngọc Huyền (20 tuổi, ở phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) đang quét nhà trước hiên thì trời giông sét và đổ mưa. Nghe trên mái tôn có tiếng "rào rào" bất thường, chị nhìn ra đường thấy nhiều hạt đá rơi xuống.
"Lúc đó gió rất mạnh, có tiếng sét nên mình nghĩ sắp mưa lớn, nhưng lúc sau thấy nhiều viên đá rơi xuống đất, có viên đá lớn bằng 3 ngón tay", chị nói và cho biết hiện tượng mưa đá diễn ra chừng hơn 15 phút sau đó mới hết.
Nhiều người dân ở một số địa phương khác của TP HCM, Biên Hoà (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương)... cũng nhìn thấy mưa đá.
Lý giải về hiện tượng này, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết, mưa đá xảy ra do mây đối lưu phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng trước đó. Điều này khiến không khí có sự bất ổn định lớn, dòng không khí chuyển động đi lên đưa khối mây nóng ẩm lên rất cao, vượt qua tầng đối lưu. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, cho đến mức 0 độ C, hơi nước bị ngưng kết, đóng băng (cơ chế như nước đá) tạo thành hạt đá rơi xuống.
Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan cho biết, mưa đá thường xuất hiện ở Bắc Bộ do địa hình nhiều đồi núi. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn ở TP HCM và Nam Bộ do biến đổi khí hậu, nắng nóng sau đó mưa đột đột.
Mưa đá trên cao rơi xuống với tốc độ nhanh nên dễ gây thương tích khi trúng người. "Người dân khi đi đường gặp trời chuyển gió mạnh, giông sét, cảm giác dựng tóc gáy, bầu không khí lạnh đi đột ngột cần tìm ngay chỗ trú ngụ vì khả năng xảy ra mưa đá cao. Mưa đá có khả năng làm gãy đổ cây cối, đứt dây diện... gây tai nạn cho con người", bà Lan nói.
Hà An