Nội dung này nêu trong Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đang được Sở Giao thông Vận tải TP HCM nghiên cứu xây dựng. Thời gian lắp đặt kéo dài 4 năm, từ 2022 đến 2025. Trong đó, 2 năm đầu lắp 40 điểm với kinh phí 168 tỷ đồng. 140 điểm còn lại, tổng vốn 286 tỷ đồng sẽ hoàn tất ở 2 năm tiếp theo. Các đường được đề xuất lắp đặt nằm ở khu trung tâm, quanh sân bay Tân Sơn Nhất, một số tuyến quốc lộ, vành đai, gần cảng, khu công nghiệp... có tình hình giao thông phức tạp.
Hệ thống quản lý và xử phạt vi phạm được đề xuất 5 chức năng chính: giám sát xe vượt đèn đỏ; chạy quá tốc độ; đi sai làn đường, ngược chiều, đi vào đường cấm, giờ cấm; xe dừng đỗ không đúng quy đinh; xe vi phạm tải trọng. Công nghệ dùng cho hệ thống này gồm xử lý hình ảnh bằng camera, tự động nhận diện biển số xe và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử phạt vi phạm. Hệ thống còn tính được tốc độ, lưu lượng, thời gian xe dừng chờ, phân tích hành vi người điều khiển...
Để sớm triển khai, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND thành phố chấp thuận nội dung đề án; đồng thời bổ sung các dự án thuộc hệ thống quản lý và xử phạt vi phạm giao thông vào danh mục đầu tư đô thị thông minh của thành phố.
Năm 2020, TP HCM ghi nhận hơn 62.000 ôtô vi phạm qua camera, trong đó hơn 18.000 trường hợp nộp phạt hơn 11 tỷ đồng, chiếm hơn 30%. Hồi tháng 3/2020, Sở Giao thông Vận tải lắp cố định camera ghi hình ôtô dừng, đỗ sai phép trên 14 tuyến đường nội đô để "phạt nguội". Sau đó hệ thống camera mở rộng thêm ở 8 tuyến có tình hình giao thông phức tạp, gồm: Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Hồng Hà, Bạch Đằng (quận Tân Bình); Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cống Quỳnh, Trương Định (quận 1) và Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận). Kết quả cho thấy giao thông ở các đường này ổn định hơn, vi phạm giảm.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP HCM), tỷ lệ "phạt nguội" tại thành phố năm 2020 tăng so với trước nhưng chỉ chiếm 36% tổng số ca bị xử phạt. Hơn 2 tháng đầu năm 2021, đơn vị ghi nhận gần 27.000 trường hợp vi phạm qua camera, trong đó 3.800 người nộp phạt hơn 4 tỷ đồng. PC08 đặt mục tiêu nâng lên 80-90% tỷ lệ "phạt nguội" đến năm 2022. Hình thức này giúp nâng cao ý thức người chạy xe, đồng thời tạo hiệu quả hơn khi xử lý, giảm tranh cãi giữa người vi phạm với CSGT, hạn chế tiêu cực...
"Phạt nguội" được lực lượng CSGT triển khai nhiều năm trước nhưng gặp khó do hành lang pháp lý liên quan chưa hoàn chỉnh, công nghệ hạn chế... Nghị định 100 hiệu lực từ đầu năm 2020 tăng chế tài xử phạt, giúp hiệu quả hơn trong "phạt nguội" và giảm nhân lực túc trực ở hiện trường.
Gia Minh