Thông tin được bà Nguyễn Thị Thu Sương, Quyền Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM nói tại hội thảo về thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách ứng dụng vào sản xuất, sáng 3/10.
Theo bà Sương, tỷ lệ kết quả nghiên cứu dùng ngân sách được thương mại hóa của thành phố thời gian qua có xu hướng giảm. Cụ thể giai đoạn 2014 - 2018, số lượng nhiệm vụ có kết quả thương mại hóa thành công đạt 13%. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2018 đến nay, tỷ lệ này giảm xuống còn 5%. Nguyên nhân được cho là thiếu cơ chế kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, quy định pháp luật hiện hành coi các kết quả nghiên cứu là tài sản công, nên cơ chế quản lý rất phức tạp. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý, cũng như nhà khoa học trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo đó Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM xây dựng "Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh" nhằm hỗ trợ nhiều nguồn lực cho các nghiên cứu sớm thương mại hóa, tạo ra giá trị thực tiễn giúp phát triển kinh tế, xã hội. Đề án này nhằm cụ thể hóa ký kết phối hợp giữa Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban thường vụ Thành ủy TP HCM hồi tháng 3.
Theo bà Sương, thành phố sẽ lựa chọn hỗ trợ các kết quả nghiên cứu tiềm năng thương mại hóa cao, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ thông tin, y dược, nông nghiệp công nghệ cao...
Thành phố sẽ thiết lập nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động thương mại hóa từ ngân sách khoa học công nghệ, quỹ phát triển khoa học công nghệ. Nguồn kinh phí hỗ trợ này được coi như vốn mồi tạo động lực cho doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư vào khoa học công nghệ. Bà Sương lấy ví dụ, doanh nghiệp đầu tư từ 70% kinh phí trong đề tài nghiên cứu, họ có thể sở hữu công nghệ phục vụ thương mại hóa.
Bà Sương cho biết thành phố đang thực hiện Nghị quyết 98 với các hỗ trợ mang tính đặc thù về tài chính. Trong đó có chính sách tiền lương tiền công với lãnh đạo tổ chức khoa học công nghệ tối đa 120 triệu đồng mỗi tháng, miễn giảm thuế, hỗ trợ không hoàn lại các dự án khởi nghiệp đến 400 triệu đồng... là cơ sở để thúc đẩy hoạt động thương mại hóa.
Ngoài hỗ trợ tài chính, đề án hướng đến cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ và thương mại hóa cho các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp. Đây được coi là hoạt động hỗ trợ pháp lý quan trọng giúp xác lập quyền sở hữu cho nhà khoa học tạo ra công nghệ, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa ứng dụng vào sản xuất.
Thành phố cũng hình thành mạng lưới hợp tác giữa nhà nước, viện nghiên cứu và doanh nghiệp thông qua các sự kiện kết nối cung cầu. Điều này nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển và hoàn thiện sản phẩm khoa học công nghệ.
Sở Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đại học xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ quốc tế với các lĩnh vực ưu tiên. Để thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ lập danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tiềm năng thương mại hóa với các tiêu chí về tính khả thi, tiềm năng thị trường, kinh nghiệm đội ngũ quản lý, tính tác động xã hội... Cơ quan nhận chuyển giao phải triển khai các hoạt động thúc đẩy thương mại hóa như thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, thành lập doanh nghiệp spin-off trong trường đại học, góp vốn cùng doanh nghiệp khác để thương mại hóa, nhượng quyền sử dụng sản phẩm trí tuệ...
Trong đề án, TP HCM đặt mục tiêu ở giai đoạn thí điểm có 10 sản phẩm khoa học công nghệ được thương mại hóa, hình thành ít nhất 5 quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa viện trường - nhà nước - doanh nghiệp, tỷ lệ nghiên cứu dùng ngân sách được chuyển giao và thương mại hóa 10% - 15%. "Quá trình thực hiện đề án sẽ được theo dõi đánh giá để rút kinh nghiệm và điều chỉnh chính sách nhằm phù hợp tình hình thực tế", bà Sương nói.
PGS.TS Mai Đình Trị, Viện Công nghệ Hóa học, Viên Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đánh giá Đề án có thể tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập trong chuyển giao công nghệ hiện nay. Ông cho rằng, trong khoa học giá trị sản phẩm chỉ 30% đến từ hoạt động nghiên cứu, còn lại là giá trị về mặt thương mại hóa, thị trường. Nhà khoa học chỉ tập trung nghiên cứu ra công trình xuất sắc là chưa đủ mà còn phải phát triển về công nghệ, thị trường. Do vậy, cần sự hợp tác tiếp tục phát triển đề tài từ các nguồn tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp.
TS Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng khoa Công nghệ Ứng dụng, trường Đại học Văn Lang cho rằng, hoạt động chuyển giao công nghệ vốn khá phức tạp, đa dạng nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ông cho rằng, không chỉ riêng nhà nước hoạt động thương mại hóa cần sự hợp tác của viện trường, doanh nghiệp. TS Hùng đề xuất, trong giai đoạn đầu nhà nước cấp một phần kinh phí cho viện trường và trao luôn quyền khai thác nghiên cứu cho họ. Viện trường nào khai thác nghiên cứu càng hiệu quả tức thương mại hóa càng thành công, sẽ được cấp kinh phí nhiều hơn. "Như thế sẽ thúc đẩy các đơn vị nghiên cứu tập trung chuyển giao công nghệ", ông nói và thêm rằng cần có sự đánh giá về khả năng chuyển giao công nghệ các đơn vị nghiên cứu để cấp kinh phí phù hợp.
TS Phan Thanh Lâm, Viện phó Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, nói các nghiên cứu tiềm năng ứng dụng cần thực hiện tiếp sản xuất thử nghiệm và chọn doanh nghiệp định hướng thương mại hóa tham gia để nhà nước hỗ trợ với các chính sách ưu đãi.
Sau khoảng 2 năm, nếu dự án sản xuất thử nghiệm có hiệu quả, doanh nghiệp được quyền sở hữu và sản xuất. Theo TS Lâm, đây là phương án có thể thử nghiệm để tháo gỡ các điểm nghẽn trong thương mại hóa các nghiên cứu dùng ngân sách. "Khi thực hiện một vài dự án sản xuất thử nghiệm, sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có các bước đánh giá và điều chỉnh chính sách phù hợp", TS Lâm nói.
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Lê Thanh Minh cho biết sẽ hoàn thiện đề án thí điểm hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu dựa trên các góp ý để sớm hiện thực hóa các mục tiêu trong thỏa thuận hợp tác giữa thành phố với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hà An