Thông tin được đề cập trong báo cáo về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở TP HCM giai đoạn 2019-2021 do UBND thành phố vừa gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Việc sáp nhập giúp TP HCM giảm chi tiền lương, phụ cấp gần 10 tỷ đồng, giảm chi hoạt động hơn 12 tỷ đồng.

TP Thủ Đức thành lập trên cơ sở nhập quận 2, 9 và Thủ Đức. Đồ hoạ: Thanh Huyền.
Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 31/12/2020 cho phép TP HCM sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức; nhập 19 phường thuộc quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.
Theo UBND thành phố, việc sắp xếp đơn vị hành chính làm tinh gọn bộ máy và biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Việc sáp nhập không ảnh hưởng và thay đổi các chính sách an ninh, xã hội... Tuy nhiên, TP Thủ Đức sau thành lập quy mô dân số rất lớn (hơn một triệu người), trong điều kiện diễn biến dịch phức tạp nên chưa đáp ứng nhu cầu người dân.
Chính quyền TP HCM cũng đề xuất Trung ương cho phép điều chỉnh, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp xã tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án trọng điểm, quy mô dân số đông. Hiện, thành phố có những xã, phường dân số rất đông, vượt 4-12 lần so với tiêu chuẩn quy định (32.000 đến hơn 100.000 dân).
Hữu Công