Đây là lần đầu tiên thành lập "thành phố trong thành phố" trực thuộc Trung ương. TP Thủ Đức sau thành lập có rộng khoảng hơn 211 km2, hơn một triệu người trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Thành phố giáp quận: 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, sau 60 ngày, cơ quan, tổ chức ở thành phố mới phải hoàn thành việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy, đảm bảo ổn định, không làm ảnh hưởng cuộc sống người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết việc thành lập TP Thủ Đức không chỉ sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân 3 quận 2, 9 và Thủ Đức mà còn là cột mốc phát triển của TP HCM. Sự kiện được cả nước quan tâm vì đây là lần đầu tiên có mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông đề nghị TP HCM tập trung xây dựng TP Thủ Đức trở thành thành phố thông minh, sáng tạo và là động lực phát triển kinh tế thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cần sớm trình cơ chế chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức; đẩy nhanh phát triển hạ tầng, thu hút lao động chất lượng cao; nâng cao đời sống người dân...
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành chuẩn bị các nội dung hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chuyển đổi giấy tờ, thủ tục hành chính... Việc chuyển đổi sẽ không bị thu phí và công khai để người dân nắm. Những giấy tờ đã cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết hạn vẫn được sử dụng.
Ông Phong cho biết việc lập TP Thủ Đức góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thành phố mới dự kiến đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP HCM và 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.
Theo kế hoạch của UBND thành phố, trước ngày 18/1, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy sắp xếp, thành lập bộ máy của 3 quận để thành lập bộ máy chính quyền TP Thủ Đức. Thành ủy TP HCM sẽ chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư Thành ủy và Thành ủy viên của TP Thủ Đức.
Trước ngày 19/2, HĐND TP Thủ Đức bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐND; Trưởng, Phó các ban thuộc HĐND; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND và các ủy viên UBND. Trước 25/2, các quận 2, 9 và Thủ Đức bàn giao bộ máy, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, các dự án đầu tư cho TP Thủ Đức quản lý.
Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho phép sáp nhập 19 phường thuộc quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận. Trong đó, quận 2 nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm thành phường Thủ Thiêm; phường Bình Khánh và Bình An thành phường An Khánh.
Quận 3 nhập phường 6, 7, 8 thành phường Võ Thị Sáu. Quận 4 nhập phường 2 và 5 thành phường 2; nhập phường 12 và 13 thành phường 13. Quận 5 nhập phường 12 và 15 thành phường 12.
Quận 10 nhập phường 2 và 3 thành phường 2. Quận Phú Nhuận nhập phường 11 và 12 thành phường 11; nhập phường 13 và 14 thành phường 13.
Như vậy, từ ngày 1/1/2021, TP HCM có 16 quận, 5 huyện và một thành phố; 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn.
Hữu Công