Tại kỳ họp thứ 17 (kỳ họp bất thường) HĐND TP HCM sáng 30/12, dù vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, các đại biểu đã nhất trí thông qua việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy trên địa bàn từ đầu năm 2015. Mức thu xe có dung tích xylanh đến 100 cm3 là 50.000 đồng một năm, loại từ trên 100 cm3 đến 175 cm3 là 100.000 đồng và trên 175 cm3 là 150.000 đồng.
Các loại môtô 2 bánh, xe máy đăng ký biển số tại TP HCM hoặc đăng ký biển số tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại thành phố là những loại phương tiện bị thu. Trường hợp xe máy đăng ký tại TP HCM nhưng đã nộp phí tại địa phương thì được miễn tương ứng với thời gian đã nộp phí.
Các trường hợp được miễn thu phí là môtô của lực lượng công an, quốc phòng; các hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo tại TP HCM. Như vậy, học sinh và sinh viên vẫn phải đóng phí (không như phương án đề xuất trước đó của UBND thành phố).
Về biện pháp chế tài đối với người vi phạm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín cho hay, các trường hợp không nộp phí sử dụng đường bộ sẽ bị xem xét xử phạt theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 186 năm 2013 của Bộ Tài chính. Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế, thời hạn nộp tiền phí, lệ phí; phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng.
Cũng theo vị Phó chủ tịch UBND thành phố, nguồn thu sẽ để lại 100% cho các huyện và các quận vùng ven. Còn đối với quận nội thành, mức để lại sẽ có tỷ lệ phù hợp. Các phường, thị trấn được để lại 10% số phí thu được của quận để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định; còn các xã được để lại 20% số phí thu được của huyện để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định.
UBND phường, xã, thị trấn sẽ là cơ quan kiểm tra việc chấp hành việc nộp phí xe máy. Trong quá trình kiểm tra trên đường, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ nhắc nhở (chứ không xử phạt) khi người dân không mang theo biên lai nộp phí. Dự kiến với khoảng 6 triệu xe máy, TP HCM sẽ có thêm 300 tỷ đồng/năm để sửa chữa đường nếu áp dụng mức thu tối thiểu 50.000 đồng.
Ở phần thảo luận, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng HĐND thành phố giao cho Thanh tra giao thông có thẩm quyền xử phạt các trường hợp không đóng phí, đồng thời UBND thành phố cần thiết lập cơ sở dữ liệu số lượng xe máy cụ thể trên toàn thành phố cũng như ở từng quận, huyện để thuận tiện cho việc quản lý cũng như kiểm tra việc đóng phí.
Trong khi đó, nhận định thực tế cuộc sống và luật có thể "lệch pha" nhau, đại biểu Trần Quang Thắng đề nghị UBND thành phố phải tổ chức sơ kết, thống kê sau 2 năm thu phí đường bộ để có sự đánh giá kết quả của việc thu phí. "Nếu kết quả lệch pha lớn là cơ hội để chúng ta điều chỉnh luật nhanh hơn. Đồng thời, mức chế tài cần cân nhắc thêm vì tôi linh cảm đối tượng vi phạm sẽ là những người thu nhập thấp. Vì vậy, chúng ta nên cân nhắc để tạo sự đồng thuận", ông Thắng nói.
Thay mặt UBND TP HCM, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cho biết thành phố sẽ tổ chức cuộc họp do Chủ tịch UBND thành phố chủ trì để bàn tiếp về phương pháp tổ chức đạt hiệu quả cao nhất, cũng như thông báo cụ thể về tỷ lệ tiền phí để lại cho các địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, sự công bằng, minh bạch và đảm bảo nguồn thu được sử dụng hợp lý và đúng quy định là điều mà đại biểu và người dân rất quan tâm nên các cơ quan chức năng phải làm đúng. "Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì sẽ kiến nghị Trung ương cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại TP HCM", bà Tâm yêu cầu.
Tại kỳ họp cuối năm, HĐND TP HCM đã nhất trí thông qua bảng giá đất do UBND thành phố đề xuất. Theo đó, mức giá cao nhất áp dụng cho đất phi nông nghiệp là 162 triệu đồng một mét vuông, tại các khu vực như đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi... (quận 1), thấp nhất là 1,5 triệu đồng. Tính chung mức bình quân điều chỉnh đã tăng 1,6 lần so với bảng giá đất năm 2014. Cũng theo bảng giá đất mới tính từ năm 2015, sẽ có 19 quận trên địa bàn thành phố áp dụng khung giá của đô thị đặc biệt, từ 1,5 triệu đồng đến 162 triệu đồng/m2. Có 5 thị trấn của năm huyện áp dụng theo khung giá từ 120.000 đồng đến 15 triệu đồng/m2. Nhóm đất nông nghiệp được giữ nguyên như năm 2014. Bảng giá đất mới sẽ có hiệu lực sau 10 ngày HĐND TP HCM ban hành Nghị quyết. |
Hữu Công