Tại phiên làm việc chiều 11/12 kỳ họp thứ 16 của HĐND TP HCM khóa VIII, HĐND thành phố quyết định chưa thông qua tờ trình về đề án thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên địa bàn của UBND thành phố. "Cuối năm nay còn một kỳ họp nữa và các đại biểu sẽ có thời gian để nghiên cứu cũng như thành phố có thêm thời gian để chuẩn bị", Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Trước đó, trong phiên thảo luận chung ở hội trường vào chiều qua, nhiều đại biểu HĐND thành phố tiếp tục bày tỏ băn khoăn cũng như lo lắng về đề án này. Đại biểu Trần Trọng Dũng cho rằng tờ trình này rất không ổn, việc giao cho địa phương thu là khó thực hiện, biện pháp chế tài cũng không rõ ràng và ông băn khoăn liệu có khả thi hay không.
"HĐND nên lắng nghe ý kiến người dân và ý kiến chuyên gia trước khi thông qua vì đây là đề án liên quan đến hàng triệu người", ông Dũng nói. "Theo tôi, trước hết tạm thời chưa thông qua, hoãn lại để xem xét thấu đáo. Nếu bất khả thi phải kiến nghị Chính phủ sửa lại nghị định. Hoặc ít nhất là loại xe máy ra khỏi đối tượng thu phí và chỉ giữ lại xe môtô".
Còn đại biểu Huỳnh Quốc Cường cho rằng khác với người đi ôtô, người đi xe máy thì "thượng vàng hạ cám nên đè dân ra mà thu là không được". "Giải pháp thu qua xăng có thể hợp lý hơn. Người ta đỡ phản ứng hơn vì thu phí gián tiếp. Nếu thu trực tiếp như đề án phải đẻ ra bộ máy thu, rồi giấy tờ, chứng thực này kia. Tôi đề nghị HĐND thành phố để lại tờ trình này, đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố có ý kiến với Quốc hội xem xét lại", ông Cường nói.
Trong khi đó đại biểu Nguyễn Thanh Chín nhấn mạnh luật quy định thì địa phương phải chấp hành, song cần có thời gian để đại biểu suy nghĩ, cân nhắc thêm, có thể trình lại xem xét trong một kỳ họp khác của HĐND thành phố ở thời điểm gần nhất.
Với tư cách Chủ tịch HĐND thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng xe lưu thông trên đường góp phần nhà nước duy tu đường xá là trách nhiệm của mỗi người dân. Nhưng mức thu như thế nào, đối tượng ra sao khiến bà rất băn khoăn. "Ra đường thấy nhiều chiếc xe máy mà mình thu phí cũng không đành lòng, vì nó là phương tiện tối thiểu để mỗi ngày kiếm vài ba chục nghìn nuôi sống gia đình. Tiền phí thì không lớn lắm nhưng gần như liên quan đến mọi nhà", bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, thêm một vấn đề bà lo lắng nữa là việc đảm bảo an toàn. "Bây giờ nói giao tổ dân phố đi thu, nhưng mà ai sẽ là người đi thu, lấy gì đảm bảo an toàn của nguồn quỹ này để nộp về. Không may bị cướp giật, bất trắc gì thì ai chịu trách nhiệm", bà Tâm nói và cho biết UBND quận, huyện cũng chưa hình dung được nhân sự nào sẽ làm việc này.
Vị chủ tịch HĐND thành phố nói thêm, dù nguồn phí để lại cho phường xã là không lớn, chỉ 10% nhưng lượng xe ở thành phố rất lớn. Trong khi những nhiệm vụ quan trọng của thành phố thì sự hỗ trợ chỉ tượng trưng, chỉ vài triệu cho một khu phố với rất nhiều hoạt động. Dù đây là một chủ trương luật đã ban hành, không quy định thời gian nhưng thành phố là địa phương chậm nhất.
"Thực sự tôi rất băn khoăn những vấn đề này. Các ngành chức năng có thể giải trình thêm, tính toán xem làm sao để yên tâm. Trách nhiệm là chúng ta phải thực hiện rồi nhưng thông qua mà không thảo luận rõ ràng thì cũng chưa làm hết trách nhiệm", Chủ tịch HĐND thành phố nói.
Ngày mai, kỳ họp thứ 16 HĐND TP HCM khóa VIII sẽ bế mạc sau 3 ngày rưỡi làm việc.
Theo tờ trình của UBND TP HCM về Đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với xe máy trên địa bàn thành phố, xe có dung tích xylanh đến 100 cm3 nộp 50.000 đồng một năm, loại từ trên 100 cm3 đến 175 cm3 là 100.000 đồng (giảm 30.000 đồng so với đề xuất), trên 175 cm3 là 150.000 đồng. Việc thu phí sẽ thực hiện từ ngày 1/5/2015 sau khi HĐND thành phố thông qua. Về phương thức thu sẽ thực hiện theo thông tư 133/2014 của Bộ Tài chính, giao cho UBND cấp xã, phường, thị trấn thu phí và chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn kê khai phí sử dụng đường bộ. Căn cứ tờ khai của người sử dụng, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm sẽ thu phí và phát biên lai. Xe mô tô 2 bánh, xe máy (không bao gồm xe máy điện) được đăng ký biển số tại TP HCM hoặc xe đăng ký biển số tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại thành phố, là những loại phương tiện bị thu. Trường hợp xe máy đã đăng ký tại TP HCM nhưng đã nộp phí tại địa phương thì được miễn tương ứng với thời gian đã nộp phí. Số tiền thu được, cấp phường, thị trấn được để lại tối đa không quá 10%; cấp xã không quá 20% để trang trải chi phí của việc tổ chức thu phí. Số tiền còn lại cơ quan thu phí phải nộp vào tài khoản Quỹ Bảo trì đường bộ mở tại Kho bạc Nhà nước. Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải, nếu chỉ thu được 60% trong tổng số 5,4 triệu xe máy (đã đăng ký trên địa bàn) thì trung bình mỗi năm TP HCM thu đạt hơn 300 tỷ đồng. |
Hữu Công