Công trình được TP HCM cho thông xe chiều 10/8, đến dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ngành.
Hầm chui thuộc gói thầu số 9 - một trong những gói xây lắp chính thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, triển khai từ cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Gói thầu trên trị giá 200 tỷ đồng, xây hầm và đường dẫn kết nối từ nút giao Phan Thúc Duyện - Phan Đình Giót tới đường Thăng Long, tổng chiều dài khoảng 600 m.
Hầm chui được thiết kế hai làn xe, đi theo hướng đường Phan Thúc Duyện, trong đó khoảng 40 m là hầm kín vượt qua nút giao với tuyến Trần Quốc Hoàn. Phần còn lại là hầm hở cùng đường dẫn ở hai đầu. Bên hông hầm, mặt đường được nâng cấp, mở rộng.
Sau khi hầm đưa vào khai thác, xe từ các tuyến Phan Thúc Duyện, Trần Quốc Hoàn ra đường Thăng Long, Cộng Hoà có thêm hướng đi mới thay vì hiện nay chủ yếu dồn đến vòng xoay Lăng Cha Cả - điểm đen ùn tắc nhiều năm ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), cho biết hầm chui được thi công trong điều kiện địa hình phức tạp, phía dưới có nhiều mạch nước ngầm cần nhiều công đoạn xử lý kỹ thuật.
Công trình cũng ở cửa ngõ ra vào sân bay, mật độ xe dày đặc nên quá trình thi công và tổ chức giao thông phải làm song song, liên tục. Tuy nhiên, do là hạng mục quan trọng nên các đơn vị tập trung đẩy nhanh thi công giúp hầm chui hoàn thành sớm hơn kế hoạch 3 tháng.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, dài 4 km, được TP HCM triển khai giúp kết nối ga T3 Tân Sơn Nhất, phá thế độc đạo của lối ra vào sân bay duy nhất trên đường Trường Sơn. Tuyến có điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại đoạn giao giữa các đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh.
Công trình làm tuyến chính với chiều rộng 25-48 m cho 6 làn xe, cùng hai đường nhánh kết nối với quy mô 3-4 làn. Ngoài hầm chui nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, dự án còn một hầm khác ở giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, dài 500 m, hai làn xe. Riêng trước ga T3 sân bay, trong dự án này còn một cầu vượt dài gần một km, 4 làn xe.
Theo chủ đầu tư, toàn bộ tuyến đường nối dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Công trình khi đưa vào khai thác ngoài đồng bộ ga T3 công suất 20 triệu khách mỗi năm sẽ tạo ra trục giao thông mới song hành tuyến Cộng Hòa, giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tân Sơn Nhất.
Tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà là một trong 12 công trình trọng điểm quốc gia được khởi công đồng loạt hồi tháng 12/2022. Công trình này được triển khai mang tính gắn liền với ga T3, giúp khai thác đồng bộ cho sân bay Tân Sơn Nhất và giao thông, đô thị khu vực xung quanh.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đánh giá quá trình triển khai, dự án gặp khó khăn lớn về giải phóng mặt bằng, ông từng trực tiếp khảo sát, làm việc để tháo gỡ. Sau gần hai năm khởi công, đến nay hạng mục quan trọng là hầm chui thông xe cho thấy nỗ lực rất lớn của TP HCM. Tại thành phố đang có nhiều dự án lớn nên Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh, ngoài góp phần phát triển kinh tế xã hội còn thúc tiến độ giải ngân đầu tư công.
Ngoài dự án trên, từ nay tới cuối năm một loạt công trình giao thông trọng điểm khác ở TP HCM cũng dự kiến hoàn thành như: cầu Phước Long, Rạch Đỉa (quận 7, huyện Nhà Bè); hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); mở rộng đường và xây cầu Tân Kỳ Tân Quý (Bình Tân); song hành quốc lộ 50 (Bình Chánh); cầu Nam Lý (TP Thủ Đức)...
Gia Minh