Cách này nhằm tăng cường khả năng phát hiện sớm người nhiễm nCoV trong cộng đồng, cũng như đẩy nhanh tiến độ hoạt động truy vết các ổ dịch. Mỗi quận, huyện lấy trung bình 6.000-8.000 mẫu mỗi ngày, riêng TP Thủ Đức trung bình 18.000-24.000 mẫu một ngày.
Test nhanh kháng nguyên ưu điểm là thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút và có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm. Tuy nhiên, khả năng chính xác thì không bằng phương pháp RT-PCR.
Ngược lại, RT-PCR độ chính xác rất cao, là kết quả khẳng định, song cần 4 đến 6 giờ mới có kết quả. Phương pháp test nhanh không phải là xét nghiệm khẳng định nhưng góp phần hỗ trợ nhanh trong việc giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ.
Thời gian tới, các trường hợp F1 được phát hiện sau khi điều tra dịch tễ, truy vết từ ca F0 sẽ được thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh, đồng thời lấy mẫu đơn RT- PCR. Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, tiếp tục điều tra dịch tễ trường hợp tiếp xúc gần các ca này để chuyển cách ly, xét nghiệm trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.
Tại các ổ dịch, diện F2, xét nghiệm mở rộng... được xét nghiệm nhanh kháng nguyên; đồng thời xét nghiệm mẫu gộp ở tổ dân phố, mở rộng khu phố, tùy theo yếu tố dịch tễ, toàn bộ công ty... Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, thực hiện ngay xét nghiệm mẫu đơn RT-PCR và tiếp tục điều tra yếu tố dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần để cách ly, xét nghiệm tiếp.
Từ ngày 28/6 đến nay, TP HCM tăng test nhanh kháng nguyên tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp, tầm soát diện rộng quanh các khu cách ly, phong tỏa, các điểm có nguy cơ cao. Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động một lần mỗi tuần.
Xét nghiệm trên diện rộng, nhất là xét nghiệm nhanh, được nhiều chuyên gia và Bộ Y tế đánh giá là chiến thuật quan trọng nhất để phát hiện, khoanh vùng và dập dịch hiệu quả. Thời gian đầu của đợt bùng dịch, TP HCM vẫn chưa đẩy mạnh test nhanh kháng nguyên, áp dụng chủ yếu RT-PCR mẫu gộp 10, gộp 15.
Phương án test nhanh kháng nguyên từng được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long quyết định sử dụng thay thế phương thức xét nghiệm RT-PCR, chiều 25/5, trong bối cảnh số ca nhiễm tại Bắc Giang tăng cao và hàng chục nghìn người đang chờ xét nghiệm.