Ngày 5/10, ông Thượng cho biết 13 quận huyện đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine sởi trên 95% cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Đây là mức bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa bệnh bùng phát và tiến đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi.
9 quận huyện còn lại chưa đạt mức an toàn trên 95% gồm Cần Giờ, quận 3, quận 10, quận 6, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi.
"Nếu 9 quận huyện này đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm vaccine sởi thì thành phố sẽ sớm công bố chấm dứt được dịch sởi", ông Thượng nói.
Điều kiện để thành phố công bố hết dịch sởi là 21 ngày không ghi nhận ca bệnh mới sau khi kết thúc chiến dịch tiêm vaccine. Chiến dịch tiêm vaccine để nâng miễn dịch cộng đồng được triển khai từ 31/8, vài ngày sau khi UBND công bố dịch sởi. Chiến dịch tiêm cho tất cả trẻ 1-10 tuổi, với 300.000 liều vaccine mua từ ngân sách thành phố.
Thành phố ghi nhận 23 ca sởi trong ngày 3/10, ở 11 quận huyện, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên gần 1.200. Những nơi có số ca mắc tích lũy cao là Bình Chánh (268 ca), Bình Tân (239 ca) và TP Thủ Đức (102 ca).
Sở Y tế yêu cầu các quận huyện chưa đạt tỷ lệ tiêm vaccine 95% cần đẩy nhanh tốc độ. Nơi đã tiêm trên 95% duy trì cập nhật tình hình trẻ di biến động, tiếp tục tiêm khi phát hiện còn trẻ chưa tiêm đủ mũi.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó.
Lê Phương