Tối thứ bảy cuối tháng 11, dãy hàng quán trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp khá đông người ra vào. Các bàn được kê ít hơn để đảm bảo an toàn phòng dịch nhưng không khí trong quán khá náo nhiệt. Dòng người và xe ở đường phố Sài Gòn cuối năm cũng nhộn nhịp hơn. Lượng người mua sắm ở trung tâm thương mại, siêu thị... đông đúc hơn so với cách đây một tháng.
Cuộc sống ở TP HCM tấp nập trở lại do từ giữa tháng trước, chính quyền thành phố cho hàng quán ở địa bàn "vùng xanh và vàng" - an toàn và ít nguy cơ, được hoạt động "bình thường mới", mở đến 22h. Tại những nơi nguy cơ cao, hàng quán bị kiểm soát chặt hơn, song phần nào đáp ứng yêu cầu người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Bên cạnh dịch vụ ăn uống, thành phố cũng mở cửa nhiều lĩnh vực như biểu diễn, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, sự kiện, lễ hội..., quy mô hoạt động tuỳ từng cấp độ dịch ở địa bàn. Cùng với đó, các loại hình bán hàng rong, vé số dạo, xe ôm công nghệ và truyền thống... được hoạt động bình thường ở "vùng xanh".
Một số dịch vụ không thiết yếu như karaoke, vũ trường, spa... đã được phép mở ở các địa bàn kiểm soát được dịch, từ hôm 16/11. Tuy nhiên, sau đó UBND thành phố đã phải tạm dừng các loại hình này vì lo ngại dịch bùng phát.
Về công tác phòng chống dịch bệnh, sau hai tháng mở cửa, thành phố bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu "phức tạp". Nếu trong tháng 10, các chỉ số về số ca mắc mới, số bệnh nặng phải nhập viện và tử vong do Covid-19 đều giảm so với thời điểm giãn cách xã hội, vài tuần gần đây các chỉ số này xu hướng tăng dần.
14 ngày qua, số ca mắc mới tăng 30% so với nửa tháng trước. Trong một tuần gần nhất (22-28/11), số ca nhiễm mới được ghi nhận tại thành phố mỗi ngày đều trên 1.400. Riêng hôm 26/11, con số này lên đến 1.809 ca. Đây là số ca mắc cao nhất được ghi nhận tại thành phố kể từ ngày 10/10.
Số ca nặng, tử vong cũng gia tăng thời gian gần đây. Trong đó, số tử vong do Covid-19 bảy ngày qua là 455 ca (trung bình mỗi ngày 65 ca), nhiều nhất là hôm 23/11 với 77 ca. Một tuần liền kề trước đó là 309 ca (trung bình 44 ca mỗi ngày).
Tổng số các ca nhiễm ở thành phố đang cách ly, theo dõi thời gian qua đã hơn 80.000 người. Trong 5 ngày tính từ 25/11, hơn 7.000 F0 nhập viện, còn số ra viện khoảng 4.300. Các bệnh viện TP HCM đang điều trị hơn 14.500 F0, trong đó 374 bệnh nhân nặng thở máy, 14 ca can thiệp ECMO.
Số F0 nằm viện đang thấp hơn nhiều so với giai đoạn cao điểm (hồi cuối tháng 8 hơn 40.000 F0 nằm viện, trong đó gần 2.800 ca thở máy, ECMO). Tuy nhiên các bệnh viện điều trị Covid-19 tại thành phố đang mở hết công suất tiếp nhận bệnh nhân. Bởi trong bối cảnh thích ứng mới, nhiều bệnh viện điều trị Covid-19 đã giải thể hoặc phục hồi công năng khám chữa bệnh thông thường.
Về độ phủ vaccine, tính đến hết ngày 25/11, gần 100% người (trên 18 tuổi) tại TP HCM đã tiêm ít nhất một mũi vaccine (đạt trên 70% theo tiêu chí Bộ Y tế) và gần 98% người từ 50 tuổi trở lên tiêm 2 mũi vaccine. Thành phố đang lên kế hoạch tiêm mũi 3 cho người dân.
Theo Sở Y tế TP HCM, số lượng F0 tăng gần đây xuất phát từ việc mở cửa trở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở thành phố và đây là diễn tiến được lường trước. Thành phố đã có rất nhiều biện pháp nhưng số ca nhiễm vẫn chiều hướng tăng nhẹ, dẫn đến số bệnh nhân tử vong cũng gia tăng.
Qua phân tích, các ca tử vong những ngày qua đều liên quan những người trên 65 tuổi, người bệnh nền và người chưa tiêm vaccine. Ngoài ra, số ca tử vong tăng cũng đến từ những ca bệnh nặng và rất nặng từ bệnh viện các tỉnh khác chuyển viện tới thành phố.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, thành phố đã có kế hoạch củng cố hệ thống y tế cộng đồng, y tế điều trị, y tế phục hồi. Trong đó hệ thống y tế cơ sở cần được củng cố vị trí lãnh đạo, trưởng phó trạm, bổ sung cán bộ, cơ chế chính sách...
Về việc tiếp tục mở cửa hay siết lại các hoạt động, ông Mãi nói rằng tinh thần Nghị quyết 128 đã nêu rõ là thích ứng an toàn với dịch nên độ mở của hoạt động xã hội, kinh tế tùy thuộc diễn biến Covid-19. Nếu dịch giảm, màu xanh rộng hơn, các hoạt động được mở nhiều hơn và ngược lại sẽ có biện pháp siết lại. Thành phố vẫn đánh giá dịch hàng tuần để có biện pháp phù hợp.
Nhận định tình hình TP HCM sau 2 tháng mở cửa, PGS. TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y Dược TP HCM) cho rằng số ca nặng và tử vong tăng gần đây là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, nhờ độ phủ vaccine lớn nên việc lây lan ít hơn, không hình thành những ổ dịch lớn như trước đây.
Theo ông Dũng, số ca nặng và tử vong tăng, ngoài các nguyên nhân khách quan còn đến từ sự chủ quan. Qua số liệu của ngành y tế, 75% bệnh nhân tử vong là chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều. Điều này cho thấy công tác tiêm vaccine chưa phủ hết, còn để sót, nhất là người bệnh nền, lớn tuổi. Bên cạnh đó, còn tình trạng F0 cách ly tại nhà chưa được chăm sóc, người bệnh liên hệ y tế nhiều lần nhưng chậm được cấp thuốc...
Từ đó, thành phố cần rà soát những người chưa tiêm vaccine, nhất là người trở lại từ địa phương khác, lên kế hoạch tiêm mũi 3 cho những người bệnh nền, lớn tuổi, lực lượng tuyến đầu, người làm những công việc tiếp xúc nhiều. Đồng thời, nhân viên y tế cần tiếp cận chăm sóc F0 tại nhà sớm hơn. Người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K.
Đề cập việc "mở cửa" trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng thành phố nên mạnh dạn cho các ngành nghề hoạt động bình thường để khôi phục kinh tế. Thành phố cần cho phép doanh nghiệp được tự chủ triển khai các hoạt động phòng chống dịch, tăng cường tuyên truyền về trách nhiệm tuân thủ quy định phòng dịch của người dân.
"Việc tiếp tục mở cửa không chỉ giúp kinh tế phục hồi sau thời gian dài tạm dừng mà còn giúp có nguồn lực cho công tác phòng chống dịch tốt hơn. Ngành y tế không bị ngưng trệ cũng giúp bệnh nhân ngoài Covid-19 được chăm sóc chu đáo", ông Dũng nói.
Hữu Công