Sau 120 ngày giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, đầu tháng 10 TP HCM bắt đầu "mở cửa" theo Chỉ thị 18, từng bước khôi phục kinh tế ở giai đoạn "bình thường mới". Trong một tuần đầu, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại, hàng loạt ngành nghề, điểm kinh doanh mở cửa góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân.
"Đa số người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới", ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá sau một tuần thực hiện Chỉ thị 18.
Thay đổi rõ nhất khi TP HCM nới lỏng giãn cách sau 30/9 là khu vực nội thành không còn chốt kiểm soát, giấy đi đường được bãi bỏ. Thay vì "ai ở đâu yên đấy" như gần 40 ngày trước, người dân có thẻ xanh Covid (tiêm ít nhất một liều vaccine đủ 14 ngày, F0 khỏi bệnh) có thể đi lại trên địa bàn thành phố với yêu cầu tuân thủ 5K, khai báo di chuyển qua ứng dụng VNEID của Bộ Công an.
Nhiều cơ quan, ngành nghề kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại. Người có thẻ xanh Covid có thể làm việc tại trụ sở, đến các cơ quan, đơn vị liên hệ công tác, giao dịch tại ngân hàng, đi siêu thị, chợ truyền thống để mua sắm, đến công viên tập thể dục... "Những ngày gần đây, thành phố phần nào lấy lại sức sống, nhịp đập trái tim của một cơ thể đang dần khỏe lại", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói hôm 6/10.
Công tác điều trị cũng có nhiều tín hiệu lạc quan khi liên tục 10 ngày qua, số ca nhiễm mới theo ngày tại TP HCM ở mức trên dưới 2.000. Số ca nhập viện luôn thấp hơn một nửa số xuất viện. Đặc biệt số tử vong do Covid-19 được kéo xuống ở mức 2 con số suốt nhiều ngày, trong đó ngày thấp nhất (8/10) còn 74 ca.
"Đây là những tín hiệu lạc quan, cho thấy công tác phòng chống dịch tại TP HCM thời gian qua đã đi đúng hướng và có hiệu quả rõ rệt", ông Phạm Đức Hải nói, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố nói. Ngoài quận Bình Tân, hiện 21 quận huyện, TP Thủ Đức đã công bố và đủ tiêu chí kiểm soát dịch.
Cùng với đó, tỷ lệ tiêm vaccine tại TP HCM liên tục tăng lên. Đến ngày 8/10, hơn 7 triệu người được tiêm mũi 1 (đạt 97,8% tổng số người trên 18 tuổi) và hơn 5 triệu người tiêm đủ 2 mũi (đạt 70,3% dân số trên 18 tuổi).
Tính đến 9/10, tổng số ca Covid-19 trong đợt dịch thứ tư tại TP HCM là hơn 409.000 và thành phố đang điều trị hơn 20.000 bệnh nhân và hơn 20.000 F0 được cách ly, điều trị tại nhà.
Dịch được kiểm soát, lực lượng chi viện cho TP HCM dần rút quân. Từ đầu tháng 10, khi thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách, lực lượng quân đội hỗ trợ cho thành phố hơn 2 tháng qua được tái cơ cấu lại. Các đơn vị tăng cường chỉ tập trung vào những việc thực sự cần thiết, dần chuyển giao một số nhiệm vụ cho lực lượng ở địa phương.
Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính uỷ Bộ tư lệnh TP HCM cho hay các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ rút quân trước, còn các đơn vị thuộc Quân khu 7 rút quân từ nay cho đến ngày 15/10. Riêng lực lượng quân y duy trì đến hết tháng 11.
Trước đó, trong cao điểm đợt dịch thứ 4, từ ngày 23/8 quân đội đã huy động 34.000 quân nhân, hơn 98.000 dân quân tự vệ cùng 2.000 y bác sĩ và học viên quân y, chia làm 5 mũi đồng hành với TP HCM chống dịch.
Cùng với lực lượng quân đội, Bộ Y tế lên kế hoạch rút 20.000 y bác sĩ, nhân viên y tế được tăng cường từ Bộ Y tế và các tỉnh, thành hỗ trợ TP HCM chống Covid-19 suốt nhiều tháng qua.
Dần hồi sinh song TP HCM đang đứng trước thách thức khi dòng người về quê tăng cao. Trong ngày 30/9 công bố nới giãn cách, hàng nghìn người chạy xe máy tập trung ở chốt kiểm soát giáp ranh huyện Bình Chánh (TP HCM) và huyện Bến Lức (Long An) với mong muốn về miền Tây. Những ngày kế tiếp, lượng người về quê ngày càng lớn khiến việc kiểm soát gặp không ít trở ngại. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy vừa mở cửa trở lại đối diện nguy cơ thiếu lao động.
Thống kê của thành phố, trước 1/10 các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn có hơn 288.000 nhân công, nhưng sau nới lỏng giãn cách còn khoảng 135.000 lao động, giảm hơn 54%. Khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý 3 các doanh nghiệp cần bổ sung 43.000-57.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Bên cạnh đó, sau thời gian dài "bế quan tỏa cảng", nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn tâm lý e ngại, chưa dám mở cửa trở lại. Nguyên nhân do chi phí sản xuất tăng mạnh sau dịch nhưng doanh thu, lợi nhuận không đáng kể. Mặt khác, chính sách chống dịch vẫn còn nhiều bất định, có sự khác nhau giữa một số địa phương.
Việc đi lại giữa TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh cũng chưa thống nhất vì yêu cầu của các địa phương về vấn đề vaccine, xét nghiệm khác nhau. Điều này gây khó khăn lớn cho việc đi lại của người dân và hoạt động sản xuất. Hiện, thành phố hoàn thiện phương án lưu thông với từng tỉnh để tạo điều kiện cho người dân.
Tại lễ tuyên dương đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống Covid-19 ở TP HCM hôm 8/10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói rằng Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch vẫn chưa kết thúc, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào thành phố không được chủ quan. Người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thay đổi cách sống phù hợp tình hình mới.
Theo ông Nên, việc này nhằm thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới; phục hồi phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Thành phố cũng nhanh chóng củng cố toàn diện hệ thống y tế để bảo vệ sức khỏe người dân, sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ của Covid-19.
Hữu Công