Trong kết luận Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố, UBND TP HCM và các sở ngành có nhiều sai phạm khi triển khai dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Khi phê duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), UBND thành phố với sự tham mưu của các sở ngành đã duyệt nhiều chi phí không đúng, nguy cơ gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, UBND thành phố duyệt chi phí bình quân một m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở là 26 triệu đồng, giảm khoảng 50% so với giá các sở ngành đề xuất trước đó.
Quỹ đất thương phẩm 221 ha được tạo ra bằng tiền ngân sách nhưng được giao chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT (chỉ định nhà đầu tư) bằng giá đất trên, không qua đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô).
Trong đó, thành phố đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án 4 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm dài gần 12 km (Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư) là hơn 12.000 tỷ đồng khi chưa làm rõ ý kiến của các sở ngành liên quan. Theo TTCP, việc này đã gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng. Còn phía nhà đầu tư hạch toán chi phí "không đủ điều kiện quyết toán" hơn 25 tỷ.
Cũng tại dự án này, UBND thành phố bị cho là không đúng khi chấp thuận ký và thanh lý hợp đồng (giao đất có thu tiền sử dụng đất), sau đó cho phép sử dụng giá trị tiền sử dụng đất. Theo đó, thành phố phê duyệt lại giá trị quyền sử dụng đất khu II làm giảm so với giá trị đã được phê duyệt trước đó hơn 2.400 tỷ đồng là thiếu cơ sở.
Ngoài ra, khi thành phố ký hợp đồng BT xây dựng 4 tuyến đường chính với nhà đầu tư (trong đó xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán hợp đồng BT là hơn 12.000 tỷ đồng) khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của UBND thành phố là không đúng quy định của Luật Giá năm 2012 và Luật Đất đai năm 2013. Việc này dẫn đến chênh lệch giảm tiền sử dụng đất hơn 3.900 tỷ đồng so với giá trị đã được UBND thành phố thẩm định, phê duyệt trước đó; nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Hay tại dự án BT cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và 2), UBND thành phố phê duyệt tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng cho Công ty Đại Quang Minh, song có hơn 252 tỷ không đúng quy định.
Ở dự án BT hạ tầng Khu dân cư phía Bắc (Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM - CII làm chủ đầu tư), UBND thành phố phê duyệt tổng mức đầu tư nhưng có hơn 411 tỷ đồng cũng bị cho là không đúng quy định.
UBND thành phố đã phê duyệt, điều chỉnh dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư giá 38.000 tỷ đồng là không đúng thẩm quyền theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ; tạm ứng, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa đúng quy định, không hoàn trả tạm ứng hàng năm theo Luật Ngân sách với tổng giá trị hơn 26.000 tỷ đồng
Theo đó, thành phố không tính lãi trên khoản tạm ứng từ ngân sách vào chi phí đầu tư bình quân hơn 10.500 tỷ đồng (tạm tính đến 30/9/2018). Việc này dẫn đến thành phố lấy chi phí đầu tư bình quân làm mức giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất các lô đất thương mại – dịch vụ - nhà ở đã giao cho các chủ đầu tư các dự án trong KĐTM Thủ Thiêm là chưa chính xác, có khả năng gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Qua báo cáo của UBND thành phố và kết quả thanh tra, việc đầu tư tại dự án KĐTM Thủ Thiêm còn mất cân đối vốn khoảng 8.700 tỷ đồng. Theo đó, tổng chi phí phải trả là hơn 83.300 tỷ đồng, trong khi tổng thu dự kiến đến thời điểm hiện nay chỉ là hơn 74.600 tỷ đồng.
Theo TTCP, trách nhiệm để xảy ra các vi phạm thuộc về lãnh đạo UBND thành phố và lãnh đạo các sở ngành (nhiều thời kỳ) như: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, BQL KĐTM Thủ Thiêm.
Từ đó, TTCP yêu cầu TP HCM nhanh chóng thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng cho ngân sách. Đây là số tiền thành phố đã tạm ứng từ ngân sách không đúng quy định để đầu tư KĐTM Thủ Thiêm tính đến ngày 30/9/2018.
Thành phố cũng phải có giải pháp huy động các nguồn vốn để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm hơn 4.200 tỷ đồng; thu hồi về ngân sách nhà nước khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là 1.800 tỷ đồng và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay. Những việc này phải hoàn thành trước ngày 30/9 để báo cáo Thủ tướng.
Ngoài ra, TTCP kiến nghị UBND TP HCM xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đối với những người thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý sẽ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý. "Trong quá trình xử lý trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý", kết luận TTCP nêu.
Trước đó, trong thông báo 1483 công bố ngày 7/9/2018, TTCP đã chỉ ra một loạt sai phạm của UBND thành phố cùng các sở, ngành tại dự án KĐTM Thủ Thiêm như thu hồi 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An) nằm ngoài ranh quy hoạch; bồi thường, thu hồi đất không đúng theo Luật Đất đai; phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng... trên khu đất đã quy hoạch tái định cư.
Việc này dẫn đến hậu quả là không đủ đất bố trí tái định cư, phá vỡ quy hoạch đã phê duyệt. Việc xây dựng KĐTM Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài, cuộc sống nhiều người bị ảnh hưởng...
KĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1996 với quy mô 930 ha (trong đó: Khu đô thị mới 770 ha, Khu tái định cư 160 ha), dân số khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện với Quận 1.
Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm: Khu vực "lõi trung tâm" chính, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông và khu châu thổ phía Nam.
UBND thành phố đã chỉ định một số nhà đầu tư xây dựng các dự án theo hình thức BT trong KĐTM Thủ Thiêm như: Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư các dự án 4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2; Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc - Nam đoạn từ chân Cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ...
Hữu Nguyên