Đề án quy hoạch hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 của TP HCM mở rộng phạm vi chống ngập ở 23 quận, huyện (trừ Cần Giờ) thay vì chỉ tập trung vào khu vực 650 km2 (chiếm 32% diện tích thành phố) ở nội thành và vùng lân cận như quy hoạch thoát nước cách đây gần 20 năm.
Việc mở rộng quy hoạch làm cơ sở thành phố thực hiện các dự án mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước; lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa, gồm hệ thống thoát nước chính, cống cấp 1, cấp 2 đảm bảo yêu cầu. Mặt khác, quy hoạch mới cũng xét đến yếu tố dân số tăng nhanh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún - điều mà những quy hoạch trước đây còn thiếu.
Quy hoạch mới cũng điều chỉnh về cao độ nền và hệ thống thoát nước mặt, bao gồm cập nhật quy hoạch hệ thống hồ điều tiết; ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng thoát nước, xử lý nước thải. Đồng thời quy hoạch bổ sung mở rộng thêm nghiên cứu tác động của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An để hoàn chỉnh quy hoạch thoát nước cho TP.HCM.
Để thực hiện đồ án quy hoạch, đơn vị tư vấn đã khảo sát 835 km cống thoát nước các loại, đo mặt cắt sông kênh rạch, cập nhật đồ án quy hoạch hiện có, chạy mạng lưới hệ thống thoát nước (mô hình thủy lực), tính toán khả năng thoát nước của hệ thống cống...
Trả lời VnExpress, ông Phan Thanh Tuấn, Phó giám đốc Ban điều hành dự án 5, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (đơn vị chủ trì đồ án quy hoạch) cho biết, mục tiêu của đồ án quy hoạch mới đưa hệ thống thoát nước thành phố gắn liền với các vấn đề tự nhiên, xã hội; quy hoạch ở các quận huyện phải gắn quy hoạch chung, tránh việc bêtông tràn lan, thu hẹp dòng chảy.
Tuy vậy, để công tác giảm ngập hiệu quả các dự án thoát nước cần thực hiện đúng lộ trình, hoàn thành xong ít nhất 80-90% trong mỗi giai đoạn theo quy hoạch được duyệt. Ngoài ra phải xây dựng cơ chế quản lý hệ thống thoát nước trên sông, kênh, rạch, hồ điều tiết... luôn thông thoáng, giúp thoát nước.
Đồ án quy hoạch thoát nước hoàn chỉnh sẽ được liên danh tư vấn SWECO (Đan Mạch) và NIHON SUIDO (Nhật Bản) trình Ban điều hành dự án 5 vào cuối tháng 9. Sau đó ban sẽ lấy ý kiến sở ngành, chuyên gia, cộng đồng dân cư, trước khi UBND thành phố trình Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng phê duyệt.
Theo PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP HCM), mở rộng quy hoạch thoát nước là cần thiết vì quy hoạch cũ lạc hậu và thành phố đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đô thị hóa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả hơn cần đặt quy hoạch thoát nước nằm trong quy hoạch tổng thể về đô thị, giao thông, môi trường – sinh thái.
Ông Phi cho hay với quy hoạch mới lần này, thành phố phải triển khai có lộ trình giải quyết ngập nơi nào trước, khu vực nào trước và tiến độ trong bao lâu. Tuyệt đối không để quy hoạch nằm trên giấy từ năm này sang năm khác trong khi tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng.
Về giải pháp ngắn hạn để chống ngập, ông Phi cho biết thành phố cần phát triển các khu vực trữ nước phân tán tại các khu dân cư trung tâm. Các khu dân cư mới bắt buộc có không gian trữ nước, thoát nước mưa và cần phải luật hóa đưa vào quy củ. Từ đó tạo ra hình mẫu, chứng minh hiệu quả tích cực để tạo ra nề nếp, thói quen trong cộng đồng.
Hà An