Thông tin được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19, chiều 22/9. Hiện chưa có số liệu phụ nữ mang thai đã được tiêm vaccine.
Bà Mai cho hay trước đây phụ nữ mang thai được Bộ Y tế đưa vào nhóm thận trọng khi tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19. Do đó, trong đợt tiêm cộng đồng thứ 3 và 4, phụ nữ mang thai không được tham gia. Hiện Bộ Y tế đã cho phép phụ nữ mang thai từ 13 tuần tuổi trở lên được tiêm ngừa.
Bộ Y tế hôm nay cũng đốc thúc các địa phương nhanh chóng lập danh sách, tiêm cho nhóm này nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine. Theo đó, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các đơn vị rà soát danh sách phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên, lập kế hoạch và tổ chức tiêm vaccine tại các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa. Trước khi tiêm phải khám sàng lọc, không chờ đợi, lựa chọn vaccine. Phụ nữ mang thai và cho con bú chỉ chống chỉ định với vaccine Sputnik V.
Chia sẻ thêm về năng lực điều trị tại "tháp ba tầng", Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết thành phố có 90 cơ sở điều trị, thu dung bệnh nhân Covid-19.
Cụ thể, tầng một có 12 cơ sở cách ly tập trung, thu dung điều trị. Tầng hai có 68 bệnh viện thu dung, điều trị dã chiến và bệnh viện hạng 2, hạng 3 và hạng 1 của thành phố triển khai theo mô hình "bệnh viện tách đôi". Tầng ba có 10 cơ sở, gồm 5 bệnh viện Trung ương hạng nhất đóng tại TP HCM và 5 trung tâm hồi sức Covid-19 do Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập, điều động từ các bệnh viện trung ương tới hỗ trợ.
Tầng ba tổng số giường hồi sức là 3.286, kết nối các thiết bị hiện đại, gắn oxy. Sở Y tế đánh giá số giường này "đủ sức cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân nặng trên địa bàn".
Bên cạnh đó, những bệnh nhân ở tầng ba đã hồi phục, đủ điều kiện sẽ được xuất viện, hoặc chuyển giảm độ xuống các bệnh viện tầng dưới để tiếp tục điều trị. "Bệnh viện các tầng cũng đã kết hợp nhuần nhuyễn, cứu sống nhiều bệnh nhân", bà Mai nói.
Thành phố có kế hoạch chuyển đổi công năng Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện dã chiến Củ Chi và các bệnh viện lớn, đưa về hoạt động khám chữa bệnh bình thường, khi vẫn còn nhiều F0 đang điều trị. Bà Mai cho biết, Sở Y tế đã làm việc, thống nhất với các bệnh viện, thống nhất lộ trình để làm sao chắc chắn, an toàn nhất cho bệnh nhân.
Nguyên tắc chuyển đổi công năng là tại khu vực đó ít hoặc không có bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, các bệnh viện kế cận có thể hỗ trợ tốt nhất cho điều chuyển bệnh nhân tới điều trị. Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ phải chuyển đổi vì đây là vùng xanh, số ca mắc mới trong cộng đồng đang giảm dần, F0 đủ điều kiện sẽ được cho xuất viện. Dự kiến lộ trình chuyển đổi trong tháng 9, 10.
Tính đến 18h ngày 22/9, TP HCM ghi nhận 353.656 ca Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 39.446 F0 đang điều trị tại nhà; 22.612 người tại các cơ sở cách ly tập trung; 40.909 người đang điều trị tại bệnh viện tầng hai và ba. Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 7.200, tỷ lệ 17,6% so với tổng ca đang nằm viện, và khoảng 7% so với tổng số ca đang điều trị. Số trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị là 3.661. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 342.
Tính đến ngày 21/9, thành phố đã tiêm được 8.927.763 liều vaccine, gồm 6.781.748 mũi một (đạt tỷ lệ bao phủ gần 100%) và 2.146.015 mũi hai.
Thư Anh