Dấu hiệu thông thường diễn biến nặng lên như sốt cao >=39 độC, sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp, kẹt huyết áp..., theo bác sĩ Trần Thị Diệu Anh, Khoa sản, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh.
Các phản ứng nghiêm trọng khác như: miệng (tê quanh môi hoặc lưỡi...), da (phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da...), họng (ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc...); đường tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng...); đường hô hấp (thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho...); toàn thân (mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...).
Bác sĩ khuyến cáo, thai phụ trước, trong và sau tiêm chủng cần lưu ý chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tâm lý thoải mái để có cơ thể khỏe mạnh và đáp ứng miễn dịch tốt nhất sau khi tiêm chủng.
Sau tiêm, nếu sốt dưới 38,5 độ C có thể cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh, đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Sốt từ 38,5 độ trở lên hoặc đau mỏi người, đau tại chỗ tiêm thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường chứa paracetamol theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trường hợp không hạ sốt hoặc sốt cao trên 39 độ C, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Trường hợp sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm cần tiếp tục theo dõi. Nếu sưng to nhanh nên đi khám ngay, tuyệt đối không bôi đắp bất cứ thứ gì lên chỗ sưng đau ở vị trí tiêm (ví dụ: thuốc đắp từ thảo dược, lá cây hay thuốc mỡ...).
Khi về nhà, phụ nữ mang thai không nên ở một mình ít nhất là trong ba ngày đầu tiên. Chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân sau tiêm nghiêm ngặt trong vòng ba tuần, kịp thời thông báo cho cán bộ tiêm chủng và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán, xử trí kịp thời những phản ứng nặng, nghiêm trọng.
Thai phụ có tình trạng suy giảm miễn dịch hơn so với người bình thường. Khi thai phát triển, tử cung to lên đẩy cơ hoành lên cao làm cho dung tích phổi giảm, cản trở hô hấp. Vì vậy nhu cầu oxy của phụ nữ có thai nhiều hơn bình thường. Bên cạnh đó, do hiện tượng giữ nước gây ra phù nên niêm mạc đường hô hấp dễ bị tổn thương hơn. Do đó, phụ nữ mang thai khi mắc Covid-19 thường tiến triển nặng nhanh hơn và cần điều trị hồi sức tích cực nhiều hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.
Bác sĩ cho biết có nhiều nghiên cứu trên thế giới khẳng định virus không vào buồng ối. Ngoài ra, thai nhi trên 13 tuần tuổi là giai đoạn đã cơ bản hoàn thiện các bộ phận quan trọng nên nguy cơ gây dị dạng thai nhi ở giai đoạn này thấp.
Để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai tiêm phòng Covid-19 cần được khám sàng lọc, tư vấn, tiêm và theo dõi sau tiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế, và phải khám thai tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản trước khi thực hiện tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Từ đó, bác sĩ xác định tuổi thai, tình trạng sức khỏe của thai nhi, các điều kiện đáp ứng tiêm chủng đối với thai phụ để đưa ra tư vấn, chỉ định tiêm phù hợp.
Hiện dữ liệu đánh giá tính an toàn của vaccine phòng Covid-19 đối với thai kỳ đang được tiếp tục thu thập thêm để đánh giá toàn diện hơn.
Phụ nữ mang thai trên 13 tuần cần được tiêm đủ liều và kết thúc mũi tiêm thứ hai trước 36 tuần 6 ngày; chống chỉ định tiêm chủng đối với Sputnik V. Trường hợp nếu không kịp hoàn tất mũi tiêm, thai phụ sẽ tiêm mũi còn lại trong thời kỳ hậu sản.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai còn có lịch tiêm vaccine khác như vaccine phòng uốn ván... Những vaccine này cần tiêm trước vaccine phòng Covid-19 ít nhất 14 ngày hoặc cách 28 ngày sau thời điểm tiêm.
Không khuyến cáo bỏ thai nếu phát hiện có thai trong thời gian tiêm.
Thùy An