Trong nhiệm vụ đầu tư dự án vừa được phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải thành phố giao các đơn vị thực hiện khảo sát, thu thập số liệu từ các dự án liên quan như cầu Cần Giờ, đường Rừng Sác và cao tốc; tình hình kinh tế, xã hội, lưu lượng giao thông ở khu vực... Những thông số này sẽ làm cơ sở báo cáo tiền khả thi trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo Sở Giao thông Vận tải, nút giao sẽ tạo kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư khi tuyến cao tốc hoàn thành vào năm 2025. Tổng mức đầu tư nút giao ước tính khoảng 2.400 tỷ đồng.
Cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km về phía Đông Nam, Cần Giờ là địa phương duy nhất ở thành phố giáp biển, có rừng phòng hộ, và rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển. Huyện rộng hơn 70.445 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích thành phố, gần 80.000 dân, giao các cửa sông lớn gồm sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.
Người dân trung tâm thành phố xuống đây qua phà Bình Khánh trên sông Soài Rạp rồi đi đường Rừng Sác - tuyến huyết mạch ở địa phương.
Khởi công năm 2014 với tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng, cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km nối Long An, TP HCM, Đồng Nai. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển, sân bay Long Thành. Dự án khi hoàn thành sẽ giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, 51, rút ngắn thời gian từ Long An đi TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài nút giao kết nối Cần Giờ, cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua TP HCM còn hai nút giao lớn khác cũng được nghiên cứu đầu tư, gồm đoạn giao cắt quốc lộ 50, huyện Bình Chánh và đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè.
Hạ Giang