Hải Phòng nói riêng và miền Bắc nói chung có chiến lược cảng biển rất rõ ràng hợp lý. Trong khi miền Nam có lợi thế gần đường liên vận quốc tế hơn thì vẫn loay hoay tranh cãi, chậm chạp trong việc triển khai cảng trung chuyển bờ tây sông Thị Vải.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Ngoài những yếu tố như con người, địa thế ra thì Trung Quốc còn có hệ thống logistics các biển rất tốt. Có 10 cảng lớn nhất thế giới thì 8/10 của Trung Quốc, một của Singapore, một của Hà Lan.
Cảng Cái Mép - Thị Vải, Hiệp Phước... phần lớn vẫn chỉ phục vụ những tàu bé, chứ chưa phải là cảng trung chuyển, khiến hàng hóa vẫn phải tập kết tới Singapore. Đó cũng là nguồn thu chính khiến quốc đảo Singapore giàu lên.
Chúng ta không thể thay thế địa thế của Singapore, nhưng với 100 triệu dân và là trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chúng ta có thể góp phần là 1/10 cụm cảng lớn nhất thế giới.
Chúng ta phải nhanh chân để góp phần là mắt xích trong chuỗi cung ứng, công xưởng của thế giới. Hàng không Long Thành chúng ta đã chậm chân rồi, không thể để cảng biển tiếp đà chậm chân tắc nghẽn.
Lý do TP HCM chưa đón được nhiều 'đại bàng' FDI theo tôi là do quỹ đất hạn chế lại đắt đỏ, hạ tầng chưa tốt. Muốn TP HCM bứt phá tiếp trong thập kỷ này đòi hỏi phải có thay đổi mạnh trong vấn đề hạ tầng.
Cần đẩy nhanh hoàn thiện cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 và sân bay Long Thành. Cảng Cát Lái đã quá tải nên cần đẩy nhanh chuỗi cảng Thạnh An - Cần Giờ và đường kết nối mũi Cần Giờ. Nếu làm được sẽ có nguồn thu lớn từ cảng và du lịch sinh thái.
Vùng tây bắc Củ Chi có diện tích đất tương ứng với Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên nhưng vấn đề nằm ở cơ chế và giá. Nếu có những cây cầu bắc qua hai địa phương giữa TP HCM và Đồng Nai. Nó sẽ tạo ra những mạch máu lưu thông liên kết vùng. TP Thủ Đức sẽ là trung tâm của khu vực đó để bứt phá.
Nếu dẫn một con đường từ cao tốc Bến Lức - Long Thành chạy dọc bờ tây sông Thị Vải tới tận cù lao Phú Lợi. Con đường này trong tương lai nó không chỉ dành riêng cho cảng trung chuyển, mà nó mở ra một chuỗi cảng bờ tây song song kết hợp với chuỗi cảng bờ đông Cái Mép Thị Vải (Vũng Tàu). Nó làm cho cả Sài Gòn, Đồng Nai, Vũng Tàu đều có cảng biển tiếp nhận những tàu lớn.
Thập kỷ mới này sẽ là sự hướng đông để phát triển. Sân bay Long Thành sẽ là sân bay trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Bờ đông và tây sông Thị Vải sẽ lọt top 12 cụm cảng lớn nhất thế giới.
Ken Ka Ka
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.