Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết như trên tại cuộc họp báo về diễn biến tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố, chiều tối 19/6. Theo ông Đức, thời gian một tuần tới có vai trò hết sức quan trọng để chặn đứng và dập dịch. Thành phố và ngành y tế đã triển khai thêm một số biện pháp chuyên môn để đảm bảo dập dịch hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất là nâng năng lực xét nghiệm của hệ thống y tế thành phố lên 500.000 mẫu/ngày.
Đặc biệt, ngành y tế sẽ tập trung xét nghiệm nCoV tại những khu vực được đánh giá là có nguy cơ cao, nhằm "quét" thật nhanh các F0 còn tiềm ẩn. Với tốc độ xét nghiệm này, ông Đức kỳ vọng sau một tuần, sẽ "nhìn thật rõ và xác định đầy đủ những mối nguy cơ còn tiềm ẩn, chưa phát hiện ra, chưa xét nghiệm tới".
Ngoài ra, thành phố sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh) những nơi đã từng tầm soát trước đó. Nguyên nhân là bởi, dù hôm nay test cho kết quả âm tính nCoV nhưng không có nghĩa rằng những ngày sau đó, người dân này không có nguy cơ dương tính.
Phó chủ tịch thành phố cho rằng việc tầm soát Covid-19 phải được thực hiện một cách khoa học, có kế hoạch, thường xuyên liên tục. Tuy nhiên, tầm soát diện rộng không có nghĩa là sẽ xét nghiệm toàn bộ người dân trong một lần, mà phải lấy mẫu kiểu đại diện, để giảm thiểu tối đa việc bỏ sót ca dương, nhưng với kinh phí vừa phải, chấp nhận được.
"Thành phố quyết tâm tăng hơn gấp đôi công suất xét nghiệm đã làm trong thời gian trước", ông Đức nói.
Tổng công suất xét nghiệm của TP HCM hiện đạt khoảng 20.000 mẫu trong 24 giờ. Trong đó, các cơ sở y tế thuộc thành phố đạt 14.300 mẫu, các cơ sở y tế tuyến trung ương đóng trên địa bàn như Viện Pasteur, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM là 3.800 mẫu. Một số bệnh viện tư nhân tự thực hiện xét nghiệm đạt 1.900 mẫu. Thành phố tiếp tục mở rộng năng lực xét nghiệm khẳng định nCoV tại các bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC). Sở Y tế yêu cầu mỗi 300 giường bệnh phải có một hệ thống xét nghiệm RT-PCR.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu TP HCM cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm với công suất 500.000 mẫu gộp mỗi ngày, để chặn đứng nguồn lây.
"Nâng cao năng lực xét nghiệm là một trong những giải pháp chiến lược để TP HCM có thể nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch bệnh", Bộ trưởng Long nói khi làm việc với thành phố ngày 19/6.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch Thành phố ngày 14/6 cho biết, ngành y tế sẽ sắp xếp, điều phối việc tiếp nhận và thực hiện xét nghiệm nCoV theo nhóm ưu tiên, giữa các cơ sở xét nghiệm phù hợp với công suất, đảm bảo kịp thời có kết quả. Các F1 sẽ được trả kết quả từ 8-12h sau lấy mẫu, và trong vòng 14h với các F2.
Trong một cuộc họp báo ngay sau đó, ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc HCDC cho biết, các mẫu xét nghiệm của F1 này sẽ được đẩy nhanh tốc độ trả kết quả hơn nữa, chỉ trong 6 đến 10 giờ. Tức là nhanh gấp 2,4 đến 4 lần so với quy định trả kết quả trong 24 giờ của Bộ Y tế. Như vậy, các đơn vị được giao xét nghiệm phải ưu tiên làm nhóm mẫu F1 trước.
Ngoài xét nghiệm RT-PCR, thành phố cũng sẽ triển khai tất cả cách thức xét nghiệm, gồm test nhanh kháng nguyên, xét nghiệm mẫu đơn, xét nghiệm mẫu gộp... để đảm bảo thời gian, phát hiện trường hợp nghi ngờ dương tính một cách nhanh nhất, khi mà chu kỳ lây nhiễm của biến chủng Delta (chủng Ấn Độ) ngắn hơn nhiều so với các chủng trước đây.
Bên cạnh việc nâng cao công suất xét nghiệm, thành phố sẽ ban hành quy định riêng về phòng chống dịch trong thời gian tới, dựa trên các quy định của Bộ Y tế và áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình ở từng địa phương tại thành phố.
Trong đó, hai nơi trọng điểm gồm khu phố, 2, 3, 4 phường An Lạc, quận Bình Tân và ấp Tân Thới 2, 3 và một phần xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, đang có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng mới sẽ phong toả theo Chỉ thị 16, trong vòng hai tuần, bắt đầu từ 0h ngày 20/6. Các khu vực khác sẽ phong toả theo Chỉ thị 15+, tức là quyết liệt và mạnh tay hơn để chấn chỉnh tình trạng chấp hành giãn cách không nghiêm ngặt.
Thư Anh