Kiến nghị vừa được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND TP HCM, sau khi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam muốn cùng thành phố thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật nhằm đánh giá toàn diện cũng như giải quyết vấn đề lún trên địa bàn. JICA đã gửi thành phố dự thảo kế hoạch khảo sát và các biện pháp đối phó sụt lún ở thành phố dựa trên kinh nghiệm thực hiện tại Tokyo (Nhật Bản), Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan).
Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền thành phố chấp thuận giao cơ quan này phối hợp các sở ngành liên quan hỗ trợ, cung cấp thông tin cho JICA trong khảo sát, nhằm xác định hiện trạng sụt lún, hệ thống quản lý cùng các chính sách, biện pháp đối phó. Quá trình khảo sát nhằm xác định sự cần thiết trong xây dựng dự án hợp tác kỹ thuật do JICA viện trợ, nhằm tìm hiểu địa chất, nguyên nhân sụt lún, xây giếng khoan thăm dò, chuyển giao công nghệ...
Trước đó theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP HCM là địa phương ghi nhận tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình lún 4 cm mỗi năm, cá biệt có nơi 6-7 cm. Kết quả quan trắc 24 điểm ở TP HCM được Cục Quản lý tài nguyên nước công bố năm 2019, phường An Lạc (quận Bình Tân) là nơi lún nặng nhất, khi 10 năm (2009-2019) bị lún 81 cm.
Nhiều chuyên gia và nhà khoa học cho rằng ngoài nguyên nhân phát triển đô thị và giao thông gia tăng, địa chất yếu, tình trạng sụt lún ở TP HCM do khai thác nước ngầm quá mức. Do vậy, thành phố cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, đánh giá toàn diện và chi tiết với từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp.
JICA là cơ quan triển khai viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản cho các dự án hợp tác mang tính kỹ thuật; mục tiêu đóng góp vào tái thiết các nước đang phát triển. Tổ chức này có đại diện ở hơn 100 nước và tại Việt Nam hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, đầu tư kinh tế, đô thị...
Gia Minh