
Sơ đồ phân vùng lún ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM. Ảnh: Cửu Long chụp lại tài liệu.
Kết quả quan trắc ở TP HCM và Đồng bằng sông Cửu Long được ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường) công bố tại hội thảo về sụt lún tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 22/11. Hội thảo do Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức. Khoảng 100 đại biểu là đại diện các bộ ngành, chính quyền địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.
339 điểm chủ yếu ở khu vực có đường giao thông và đô thị (TP HCM có 24 điểm) được quan trắc trong 10 năm. Kết quả, 306 điểm lún 0,1 – 81,4 cm; tốc độ trung bình 0,01 - 0 6,8 cm mỗi năm. 33 điểm còn lại không lún (TP HCM có 5 điểm).
Nơi lún nhiều nhất là phường An Lạc (quận Bình Tân) với tổng độ lún 81,4 cm. Đây là địa phương cửa ngõ phía Tây của TP HCM, có diện tích 4,59 km2.

Vị trí phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Ảnh: Datawrapper.
TP Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ lún 52,4 - 62,6 cm. Các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Long An... có tổng độ lún nhỏ nhất: 12,4 – 15,9 cm.
Phân vùng mức độ lún theo kết quả đo cho thấy: Vùng không lún diện tích khoảng 2,4 nghìn km2; Vùng lún nhỏ hơn 5 cm khoảng 12,2 nghìn km2; Vùng lún 5 - 10 cm khoảng 8,4 nghìn km2; Vùng lún lớn trên 10 cm khoảng 3,4 nghìn km2.
Toàn vùng quan trắc có khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm tập trung quy mô trên 10 m3 mỗi ngày, với tổng lưu lượng khoảng 1,97 triệu m3. Riêng TP HCM có hơn 1.900 giếng, với lưu lượng khai thác 520.000 m3 mỗi ngày. Ngoài ra, còn trên một triệu giếng quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác hàng ngày khoảng 840.000 m3.
Về cơ bản những nơi khai thác nước ngầm nhiều trùng với vùng lún nhiều. Tuy nhiên, tại một số khu vực cụ thể không có khai thác nước ngầm vẫn lún.
Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, kết quả nghiên cứu chỉ ra bức tranh sơ bộ về tình hình sụt, lún đất ở TP HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đây mới chỉ thể hiện tại các vị trí được đo đạc, chưa phản ánh quy mô, mức độ lún trên bình diện ở toàn vùng, từng địa phương.
Ông Khuyến cho rằng sụt lún đất tại từng khu vực là hệ quả tổng hợp của các nguyên nhân tự nhiên và hoạt động của con người. Đó là đặc điểm vùng với trầm tích trẻ, đang trong quá trình cố kết, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bề mặt địa hình.
Đồng thời, nguyên nhân cũng đến từ việc khai thác nước ngầm quá mức, xây dựng đô thị, các công trình kết cấu hạ tầng, đường giao thông, quá trình tác động xung lực của các hoạt động giao thông... Do vậy, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, đánh giá toàn diện và chi tiết đối với từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Trong khi đó, một nghiên cứu giữa Đại học Cần Thơ và Đại học Utrecht (Hà Lan) xác định trong 25 năm qua, lượng nước ngầm khai thác ở miền Tây tăng lên 500%, trong khi lượng nước để bù đắp không theo kịp. Mức độ sụt lún ở khu vực này cũng nhanh hơn mực nước biển dâng.
Nghiên cứu của ĐH Utrecht cho thấy mức độ gia tăng mực nước biển dâng tuyệt đối khoảng 3 - 4 mm/năm, trong khi nhiều phần diện tích ở nông thôn miền Tây mức độ sụt lún khoảng 10 - 20 mm mỗi năm. Riêng khu vực thành thị và các khu công nghiệp mức độ sụt lún lên đến khoảng 25 mm mỗi năm.
Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tốc độ sụt lún ở miền Tây từ 2 đến 4 cm mỗi năm và quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn. Dự báo đến năm 2050, khoảng 60% diện tích (gần 900.000 ha) của bán đảo Cà Mau sẽ thấp hơn mực nước biển. Tình trạng ngập úng, xâm nhập mặn, suy thoái đất, nước ngầm càng trầm trọng hơn.

Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài ở trung tâm TP Cần Thơ bị ngập sâu trong đợt triều cường cuối tháng 9. Ảnh: Cửu Long.
Theo dự báo của Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam, diện tích ngập lũ sẽ tăng từ mức 1,9 triệu ha (năm 2000) lên 3,2 triệu ha vào năm 2050; thời gian ngập tăng thêm 1,5 tháng; độ sâu ngập tăng thêm 0,5 - 0,7 m. Các vùng ngập sâu trước đây (khoảng 900.000 ha) không đủ thời gian để gieo trồng hai vụ. Hầu hết đường giao thông, nền các khu công nghiệp trong vùng sẽ bị ngập 0,2 - 0,6 m. Các tuyến dân cư và phần lớn các thị xã, thị trấn, thành phố của 13 tỉnh, thành ở miền Tây cũng sẽ chìm trong nước.
Ngoài ra, thủy điện thượng nguồn làm suy giảm nguồn phù sa, bùn cát (sụt giảm 95% giai đoạn năm 2040), cộng với việc khai thát bùn cát sẽ làm cho xu thế xói lở bờ sông, bờ biển và suy thoái lòng sông ngày càng nghiêm trọng...
Để giảm thiểu ảnh hưởng từ sụt lún đất, ông Đỗ Đức Dũng cho rằng trong thời gian tới, các tỉnh, thành miền Tây cần quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ít phụ thuộc vào nguồn nước, nạo vét các ao hồ, kênh rạch để tích trữ nước...
Cửu Long